Thứ Tư, 21 tháng 12, 2016

ĐÁM TRẺ BÊN SÔNG VỚI LÂU ĐÀI CÁT

ĐÁM TRẺ BÊN SÔNG VỚI LÂU ĐÀI CÁT

Osho

Đây là một câu chuyện thoạt nhìn rất đơn giản nhưng lại rất tuyệt vời; tất cả những điều tuyệt vời thường rất đơn giản như thế. Nó rất mực hiển nhiên, rất mực sáng tỏ.
************************************************************************************************************************
"Một nhóm trẻ con đang chơi đùa cạnh bờ sông. Chúng đắp lên những lâu đài bằng cát và mỗi đứa đều bảo vệ cái của mình, "Cái này là của tao." Chúng giữ cho mỗi lâu đài tách biệt ra để khỏi bị nhầm lẫn của đứa này với đứa khác. Khi tất cả những lâu đài hoàn tất, một đứa trẻ đã đá tung vào lâu đài của một đứa khác và phá hủy toàn bộ. Chủ nhân của chiếc lâu đài này vô cùng giận dữ, đã túm lấy tóc y, đấm vào mặt y rồi kêu gọi bạn bè đến trợ lực, "Thằng này đã phá hư lâu đài của tao. Tụi bay đến đây giúp tao trừng trị nó." Tất cả những đứa trẻ khác liền chạy đến. Chúng xúm vào đánh kẻ phá bỉnh bằng gậy, dẫm lên mình y khi y ngã xuống đất.
Thế rồi chúng trở lại tiếp tục chơi trò chơi xây lâu đài bằng cát của chúng, mỗi đứa đều xác định, "Cái này là của tao; không ai có quyền trên cái này. Dang xa ra. Đừng có đụng vào lâu đài của tao!"
Nhưng hoàng hôn xuống dần. Trời đã chập choạng tối và tất cả bọn trẻ đều nghĩ đến việc phải về nhà. Bây giờ thì chẳng còn đứa trẻ nào quan tâm đến những gì sẽ xảy ra cho những ngôi lâu đài của chúng. Có đứa dẫm chân lên, có đứa lấy tay xoá chúng đi. Xong, ai nấy đều quay trở về nhà mình."
Đây là một câu chuyện ngụ ngôn mà Đức Phật đã sử dụng đến rất nhiều lần. Thực ra nó đã xảy trong thực tế chứ không hẵn là chuyện ngụ ngôn. Đức Phật đang đi dọc theo bờ sông và ngài trông thấy đám trẻ con này đang chơi đùa với nhau với toàn bộ câu chuyện. Sáng hôm sau ngài kể lại chuyện này, rút ra từ đó một bài học ngụ ngôn. Một câu chuyện ngụ ngôn tuyệt vời. Hãy đi sâu vào với tuệ quán từng lời từng chữ một của ngài.
***********************************************************************************************************************8*
MỘT NHÓM TRẺ CON ĐANG CHƠI ĐÙA BÊN CẠNH BỜ SÔNG
Nếu bạn còn đang chơi đùa, bạn vẫn còn là một đứa trẻ. Trò chơi của bạn có thể mang những tên gọi khác nhau, là yêu đương, là chính trị, là tiền bạc, danh vọng... Bạn có thể đang đùa chơi ở giữa chợ, ở Tân Đề Li hay ở Hoa Thịnh Đốn -tuy nhiên nếu bạn còn chơi thì có nghĩa là bạn vẫn còn trẻ con. Nếu bạn vẫn còn dính vào những cuộc chơi và tham dự vào một cách nghiêm túc -nghiêm túc đến độ bạn sẽ sẵn sàng để đánh nhau, để giết hay bị giết -thì như vậy có nghĩa là bạn vẫn còn rất mực trẻ con, bạn chưa bao giờ trưởng thành.
MỘT NHÓM TRẺ CON ĐANG CHƠI ĐÙA BÊN CẠNH BỜ SÔNG
Và dòng sông chính là một hình ảnh biểu trưng của dòng đời. Đời sống tuôn chảy giống như một dòng sông - và bên cạnh bờ sông, đám trẻ con vẫn tiếp tục đùa chơi một ngàn lẻ một trò chơi. Đời sống vẫn không ngừng tuôn chảy -và chúng ta vẫn luôn mải mê với cuộc chơi của mình đến độ hoàn toàn quên bẳng đi cuộc đời. Đời sống đang tuôn chảy trong mỗi con người -thế nhưng chúng ta đã bị dính vào cuộc chơi, tâm trí đã bị cuốn hút vào đó với thiên kiến.
Thiên kiến là căn bệnh cơ bản của tâm và đó cũng là phương cách mà người ta trốn lánh giòng sông đời. Tôi muốn nói gì khi dùng chữ "thiên kiến"? Thiên kiến có nghĩa là tâm hồn bạn đã bị tràn ngập với quá khứ hoặc tương lai. Bị chiếm lĩnh có nghĩa là bạn có thể đang ở bất cứ nơi nào đó ngoại trừ bây giờ và tại đây. Khi bạn hiện hữu ngay bây giờ và tại đây tức là tâm của bạn không còn bị chiếm lĩnh. Không thiên kiến -cái tâm đó sẽ là một trong suốt thuần khiết, một rộng mở dung dị.
Cái tâm không thiên kiến là một cái tâm tỉnh thức, một cái tâm thông tuệ, cho nên nó luôn hoà nhịp và tuôn chảy cùng với dòng sông đời. Một cái tâm bị chiếm lĩnh thì chỉ biết đắm mình vào cuộc chơi một cách nghiêm túc, tích cực. Bạn có thể đi vào chợ đời để xem con người đang chơi trò chơi tiền bạc một cách đam mê. Và rồi người ta sẽ lăn ra chết bỏ lại đây biết bao bạc tiền đã tích lũy được -thế nhưng trong khi còn sống tại đây họ đã lăn xả vào cuộc chơi một cách rất mực tận tình.
Bây giờ hãy đi vào các thủ đô để xem người ta đang điên cuồng chơi trò chơi quyền lực. Cái danh từ "thủ đô" - capital - quả thật là tuyệt. Nó phát xuất từ tiếng "capita", tức là "thủ" -là "cái đầu". Thế nên "capital" - thủ đô - có nghĩa là thành phố đầu não, hay nói một cách nôm na là phố cuồng. Đủ tất cả mọi loại người khùng điên đã và đang tập trung ở đó.
Nếu Thượng Đế muốn cứu vớt thế gian này, ông ta chỉ cần làm một phép lạ đơn thuần là có thể cứu rỗi được tất cả: đó là làm cho tất cả các thủ đô đều biến mất. Bỗng dưng sẽ không còn Tân Đề Li, Hoa Thịnh Đốn, Mạc Tư Khoa, Bắc Kinh, Luân Đôn... Bỗng dưng tất cả các thủ đô đều mất tiêu, và rồi bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy rằng tất cả các người khùng điên đều biến mất. Họ đang ngự trị ở đó -nếu không ở đó, họ cũng đang trên đường đến đó.
Một cuộc chơi vĩ đại. Hàng triệu người đã bỏ mạng trong cuộc chơi này -dưới danh nghĩa quốc gia dân tộc, cái này cái nọ, những cái "ism"- ý thức hệ chủ nghĩa. Chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa quốc xã, chủ nghĩa xã hội... Và rồi cái gì nữa? Mỹ-Tàu-Nga, Ấn Độ - Hồi quốc - Bangladesh. Họ cứ tiếp tục lăn xả vào chơi trò chém giết, và cái sinh mệnh của họ, thành thật mà nói, cứ như trứng treo đầu đẳng. Rồi tất cả con cháu chúng ta, trong lứa tuổi thanh xuân, chúng đã mất đi mọi cơ hội để trưởng thành.
Con người cứ thế tiếp tục đánh mất dòng sông đời mình bởi vì tâm của họ đã bị thiên kiến. Mọi người hầu như đều đã bị cột chặt vào cuộc chơi của mình như thế... Bạn có bao giờ xem người ta đánh cờ tướng hay chưa? Họ như quên hết tất cả mọi chuyện chung quanh. Trong cuộc cờ, người ta bị cuốn hút vào đó đến độ ngay cả ngôi nhà đang bốc cháy họ cũng không hay biết. Họ chỉ biết để tâm chăm chú vào những tượng, những mã, những xe, những pháo giả hiệu - những biểu tượng!
Tất cả mọi người đang chơi trò chơi bị chiếm lĩnh. Nếu bạn đang lắng nghe tôi và bạn đến đây như là một người Cơ Đốc, có nghĩa là bạn đã bị thiên kiến chiếm lĩnh. Nếu bạn là người Hồi giáo hay Phật giáo cũng thế. Ngay cả nếu bạn tin tưởng vào Thiền, bạn cũng đã bị thiên kiến chiếm lĩnh. Tất cả mọi niềm tin đều tạo ra thiên kiến. Nếu bạn đang lắng nghe tôi và ở trong đầu bạn cứ văng vẳng, "Vâng, đúng rồi, điều này đã từng được nói trong thánh kinh Koran", thế là bạn đã không hiểu thánh kinh chút nào. Hoặc giả, "Đúng rồi, đây là những gì mà Chúa Giêsu đã dạy trong Tân Ước," thế là bạn đã không hiểu gì về Chúa Giêsu cả. Bạn đã ngộ nhận cả Chúa Giêsu và cả tôi nữa.
"Thiên kiến" có nghĩa là tâm của bạn đang trụ ở quá khứ hoặc tương lai mà không hề là bây giờ và tại đây. Một khi bạn hiện hữu ngay bây giờ và tại đây thì lúc đó sẽ không còn cuộc chơi nữa. Cuộc chơi ngừng và rồi bạn sẽ miên man tuôn chảy cùng với dòng sông đời. Rồi là một sự tự phát, một hiểu biết lớn lao, một lễ hội vĩ đại. Những cuộc chơi chấm dứt, bạn không còn nhìn mọi chuyện một cách nghiêm trọng nữa. Nếu bạn thắng, tốt. Nếu bạn thua, cũng tốt thôi. Không có gì khác biệt nữa. Đó là những gì mà tôi hàm ý rằng "những cuộc chơi biến mất" -nó không hề mang ý nghĩa rằng một khi đã tỉnh thức, bạn sẽ không còn sống một cuộc sống đời thường nữa. Không, bạn vẫn sống một cuộc sống thường nhật, vẫn tiếp tục chẻ cũi, gánh nước -nhưng với một cái tâm rất mực thanh thản. Bạn vẫn cười đùa, bạn vẫn yêu thương -nhưng với một phẩm chất hoàn toàn khác biệt.
Bây giờ thì không có gì quan trọng nữa. Nếu nàng bỏ bạn mà đi, bạn sẽ chào từ biệt với vô vàn biết ơn. Nếu tiền bạc của bạn bị đánh cắp, bạn sẽ vô cùng thản nhiên, "OK, có ai đó chắc đang cần tiền." Không còn vấn đề gì nghiêm trọng nữa, thế thôi. Tính nghiêm trọng biến mất. Có thể bạn vẫn đang chơi cờ, nhưng bây giờ thì bạn biết rằng những mã, những tượng, những tướng, những sĩ đó chỉ là những biểu tượng, chỉ là một ẩn dụ.
MỘT NHÓM TRẺ CON ĐANG CHƠI ĐÙA BÊN CẠNH BỜ SÔNG. CHÚNG ĐẮP LÊN NHỮNG LÂU ĐÀI BẰNG CÁT VÀ MỖI ĐỨA ĐỀU BẢO BỆ CÁI CỦA MÌNH ,"CÁI NÀY LÀ CỦA TAO".
Cuộc chơi trở nên nghiêm trọng khi bắt đầu có cái "của tôi" hay "thuộc về tôi" xen vào. Đây là của tôi -tính nghiêm trọng đến từ ý thức chiếm hữu, chấp trước. Thông qua "của tôi" chúng ta dựng lên cái "Tôi". Càng sở hữu nhiều chừng nào, cái "của tôi", cái "Tôi" càng lớn theo chừng nấy. Cái lãnh thổ "của tôi" càng lớn chừng nào, thì cái "Tôi" lại càng mạnh mẽ hơn.
Thế nên khi bạn là một chủ tịch nước, cái "Tôi" của bạn sẽ cao ngất như cái tháp đụng trời. Khi bạn không còn là chủ tịch nước nữa, nó sẽ co rút lại; cái tháp kia biến mất, bạn bây giờ chẳng khác gì một cái cây bị cắt chỉ còn trơ lại gốc.
Khi bạn có tiền, bạn bước đi một cách oai vệ. Khi bạn hết tiền bạn bắt đầu lung lay, dao động. Khi tiền bạc đầy túi bạn không hề cảm thấy lạnh lẽo, tiền bạc cho bạn sự ấm áp rất mực. Khi bạn chỉ còn cái túi rỗng không, bỗng dưng bạn bắt đầu cảm thấy giá băng, ớn lạnh. Sự ấm áp không còn nữa, ngọn lửa ấm không còn nữa, và năng lượng cũng biến mất.
Đám trẻ con đang chơi đùa và mỗi đứa đều bảo vệ ngôi lâu đài của mình, những ngôi lâu đài được làm bằng cát. Tất cả những ngôi lâu đài đều được xây bằng cát. Chỉ có những lâu đài cát, không có một loại lâu đài nào khác. Và một lâu đài cát không sớm thì muộn đều sụp đổ, không có cách gì để bảo vệ chúng. Tất cả mọi nỗ lực bảo vệ đều vô nghĩa -ngay tự bản chất của nó là sụp đổ và biến mất, đó là một ngôi lâu đài bằng cát.
Có bao nhiêu lâu đài đã được bạn xây dựng lên và biến mất? Và rồi bạn vẫn không ngừng xây dựng lên những cái lớn hơn. Khi một lâu đài nhỏ bị sụp đổ, bạn nghĩ rằng xây một lâu đài lớn hơn sẽ bền vững hơn. Đã có biết bao nhiêu người sống trên trái đất này trước khi bạn sinh ra đời? Có biết bao nhiêu triệu triệu lâu đài đã biến mất? Những lâu đài do A Lịch Sơn Đại Đế dựng lên, những lâu đài của Nadirshah, của Akbar -tất cả đều biến mất. Cũng cùng một thứ cát -họ xây dựng lên chúng bởi cùng một thứ cát và bạn cũng lại xây dựng chúng bằng thứ cát này.
Khi nhìn rõ như thế, ta từ bỏ cái ý niệm về "của tôi" và "thuộc về tôi".
CHÚNG GIỮ CHO LÂU ĐÀI TÁCH BIỆT RA ...
Hiển nhiên thôi. Một khi bạn muốn bảo vệ cho ngôi lâu đài của mình, bạn phải giữ cho nó tách biệt ra. Bạn phải làm dấu hiệu riêng, bạn phải xây hàng rào. Bạn phải dựng lên những bảng hướng dẫn, "Đừng vào đây. Đi lối này, cửa đóng. Đây là lối đi tư nhân. Cấm vào, vi phạm sẽ bị truy tố. Đây là tài sản của tôi."
CHÚNG GIỮ CHO LÂU ĐÀI TÁCH BIỆT RA ĐỂ KHỎI NHẦM LẪN CỦA ĐỨA NÀY VỚI ĐỨA KHÁC
Mỗi lâu đài của mỗi người đều có bảng tên riêng và họ bảo vệ chúng hết mức. Nhưng cũng cái lâu đài này đã từng là sở hữu của ai đó trước bạn và nó sẽ thuộc về ai đó sau khi bạn ra đi. Thực ra, cái lâu đài này không thuộc về ai cả; nó chỉ thuộc về cát. Nó tồn tại ở đó, còn con người cứ đến rồi đi. Những cuộc chơi bày trò dâu biển, nhưng cát biển vẫn ở lại đó sau bao lớp sóng phế hưng. Cát là vĩnh viễn, những lâu đài chỉ tạm thời.
KHI TẤT CẢ NHƯNG LÂU ĐÀI HOÀN TẤT, MỖI ĐỨA TRẺ ĐÃ ĐÁ TUNG VÀO LÂU ĐÀI CỦA MỘT ĐỨA TRẺ KHÁC VÀ PHÁ HỦY TOÀN BỘ. CHỦ NHÂN CỦA CHIẾC LÂU ĐÀI NÀY VÔ CÙNG GIẬN DỮ...
Hãy nhìn kỹ đi, lần tới bạn nổi giận -phải chăng đã có ai đó phá hủy ngôi lâu đài của bạn? Hãy nhớ cho -lần tới khi bạn nổi giận, cứ nhớ đến câu chuyện ngụ ngôn này và rồi bạn sẽ bật cười. Đâu có cái trọng điểm nào đâu để bạn phải giận dữ, cũng đâu có trọng điểm nào đâu để bạn phải sống trong cơn giận. Không có cái "Tôi" và cái "của tôi". Nếu cái lâu đài cát có sụp đổ, tức là nó đã phải sụp đổ. Nó chỉ là một lâu đài bằng cát thôi.
KHI TẤT CẢ NHƯNG LÂU ĐÀI HOÀN TẤT, MỖI ĐỨA TRẺ ĐÃ ĐÁ TUNG VÀO LÂU ĐÀI CỦA MỘT ĐỨA TRẺ KHÁC VÀ PHÁ HỦY TOÀN BỘ. CHỦ NHÂN CỦA CHIẾC LÂU ĐÀI NÀY VÔ CÙNG GIẬN DỮ...
Đó là những gì được gọi là luật lệ của bạn, là toà án, là cảnh sát đang tiếp tục phần hành. Có ai đó đã phá hủy ngôi lâu đài của bạn, bạn tri hô lên, "Đến đây bà con ơi! Đến đây giúp tôi một tay để trừng trị tên phá hoại này." Vâng, rồi thì mọi người sẽ chạy đến để giúp bạn, bởi vì họ cũng cần phải bảo vệ những ngôi lâu đài của họ.
Và như vậy, đây chính là một thoả hiệp; đây là cách thế mà bạn trừng trị tội phạm. Đây là cách thế mà hàng ngàn người đã bị quý vị trừng phạt bằng cách tống vào tù, bởi vì họ đã gây phiền hà đến những ngôi lâu đài của ai đó. Người này trộm tiền của người kia, người kia đánh cắp bò của người nọ, hay ai đó vi phạm một chuyện lặt vặt -ăn trộm một vài trái cây trong vườn nhà bạn. Tất cả cây cối đều là cây cối của Thượng Đế. Thế nhưng nếu như có ai đó đánh cắp vài trái táo từ cây táo nhà bạn, bạn sẽ giận điên lên, bởi vì bạn cho rằng mình là chủ nhân.
Cơn giận phát xuất từ ý niệm về sở hữu chủ. Thế nên nếu bạn thực sự muốn loại bỏ cơn giận, bạn phải buông bỏ ý niệm về sở hữu chủ. Rất nhiều người đã tìm đến tôi và bảo rằng, "Chúng tôi rất đau khổ khi cứ phải giận dữ tối ngày. Làm sao để buông bỏ nó?" Họ cứ nghĩ rằng giận dữ có thể được loại bỏ một cách trực tiếp -họ không hề biết rằng đó là một vấn đề phức tạp. Trừ phi bạn buông bỏ ý niệm về sở hữu chủ bạn không thể nào buông bỏ được cơn giận.
Sự giận dữ chỉ là một ngọn lá trên cái cây sở hữu chủ. Nếu bạn còn ý niệm về sở hữu, bạn không thể buông bỏ được cơn giận. Bạn làm chủ vợ bạn, thế rồi có ai đó đi ngang qua nháy mắt với nàng, thế là bạn nổi cơn thịnh nộ. Làm sao bạn lại không nổi giận cho được? Bởi vì bạn sở hữu người vợ, nàng là vợ của bạn làm sao ai đó lại có thể mĩm cười với nàng? Hôn gió với nàng? Nàng là vợ của bạn -bạn làm chủ nàng, nàng chỉ là một vật sở hữu. Cũng vậy, người vợ sẽ điên tiết lên khi trông thấy những phụ nữ khác đang cố gắng ve vản ông chồng của mình.
Thế là chúng ta sở hữu con người, sở hữu mọi vật, chúng ta làm chủ. Cơn giận, thịnh nộ được bắt nguồn từ ý thức chủ quyền. Nếu bạn thực sự muốn vượt khỏi cơn giận, cơn lôi đình thịnh nộ -mà có ai lại không muốn, trừ phi bạn quá đổi say đắm với căn bệnh loạn thần kinh chức năng của mình?- Nếu bạn thực sự muốn loại trừ căn bệnh này, ý niệm về sở hữu chủ cũng phải được buông bỏ.
Ngay từ cái ý niệm "Tôi làm chủ cái gì đó" đã là một sự xuẩn động rồi.
Thế rồi những người khác cũng sẽ có mặt ở đó để hỗ trợ bạn, bởi vì chính họ cũng quan ngại đến những tài sản của mình. Nếu có ai đó xâm phạm vào tài sản của bạn mà không bị trừng phạt thì rồi người ta sẽ khởi sự hủy diệt tài sản của kẻ khác một cách dễ dàng. Như thế đó, tất cả mọi người đều sống trong cơn giận -nếu bạn bắt gặp một tên trộm, tất cả các bạn đều sẽ nhào đến hắn ta. Mặc dù y trộm tiền của ai đó, không phải của bạn - thế nhưng tất cả mọi người có mặt tại hiện trường đều nhào vào y, đánh y, quật y xuống đất và dẫm lên y. Họ sẽ la lên, "Hắn là một tên trộm. Chúng ta phải trừng trị hắn." Thế nhưng tại sao bạn lại trừng trị y? Y có ăn cắp tiền của bạn đâu. Đúng vậy, y không hề ăn cắp tiền của bạn, thế nhưng y là một mối hiểm họa -nếu bạn để cho y đánh cắp tiền của ai đó, một ngày kia y cũng sẽ lắt túi bạn thôi. Thế nên...
Thế nên tốt hơn hết là phải cẩn thận, tốt hơn hết là phải phòng ngừa ngay từ lúc đầu. Từ đó mà luật pháp có mặt. Luật pháp thì luôn luôn có khuynh hướng bảo vệ những ông chủ, luôn luôn đứng về phía những kẻ có tài sản, luôn luôn mang màu sắc tư bản. Ở đâu cũng thế - ngay cả tại Liên Bang Sô Viết, nơi mà chủ nghĩa tư bản đã bị xoá tên, luật pháp đứng về phía nhà nước, bởi vì trong chế độ này, nhà nước là chủ nhân ông tất cả. Không cần biết ai làm chủ, luật pháp là tên đầy tớ phục vụ cho ông chủ đó. Nếu nhà nước làm chủ thì luật pháp phục vụ nhà nước. Quan toà, luật pháp, cảnh sát, toà án, tất cả đều chỉ để phục vụ cho những kẻ có của -chống lại những kẻ trắng tay. Luật pháp phục vụ cho những ai "hữu sản" chống lại kẻ "vô sản".
Thế giới này như thế, không thể nào hoàn toàn tốt đẹp khi pháp luật tự nó chỉ phục vụ những ai "hữu sản". Pháp luật xét xử thế nào đây? -vô phương. Nó về hùa với những người có tất cả để chống lại những người không có gì cả. Nó luôn luôn đứng về phía những kẻ có của - được lập ra bởi những kẻ hữu sản như là một âm mưu nhằm chống lại những ai mình trần thân trụi, không tài sản. Đây là một thực tế trong tất cả các xã hội, luật pháp luôn bất công. Cái mà bạn gọi là công lý thực ra chỉ là một màu mè giả bộ. Trong một thế giới vẫn còn sự hiện hữu của quyền làm chủ thì không thể là một thế giới công bình.
Thiền quả thực rất mực vô chính phủ. Tôi cũng là một người vô chính phủ: Tôi tin tưởng vào một thế giới không còn luật pháp, tôi hy vọng vươn tới một thế giới như thế. Luật pháp chỉ biến mất khi nào ý niệm về quyền làm chủ biến mất, nó không thể biến mất nếu chỉ thay ngôi đổi chủ -bây giờ kẻ vô-sản biến thành hữu-sản và người hữu-sản biến thành vô-sản. Thế nhưng có gì thay đổi đâu. Bất cứ ai làm chủ sẽ làm chủ luật pháp và luật pháp đứng về phía y. Luật pháp chỉ biết phục vụ. Nó phục vụ những ai có quyền lực, nó không bao giờ phục vụ kẻ yếu.
"THẰNG NÀY ĐÃ PHÁ HƯ LÂU ĐÀI CỦA TAO. TỤI BAY ĐẾN ĐÂY GIÚP TAO TRỪNG TRỊ NÓ". TẤT CẢ NHỮNG ĐỨA TRẺ KHÁC LIỀN CHẠY ĐẾN. CHÚNG XÚM VÀO ĐÁNH KẺ PHÁ BỈNH BẰNG GẬY, DẪM LÊN MÌNH Y KHI Y NGÃ XUỐNG ĐẤT ...
THẾ RỒI CHÚNG TRỞ LẠI TIẾP TỤC CHƠI TRÒ CHƠI XÂY LÂU ĐÀI BẰNG CÁT CỦA CHÚNG. MỖI ĐỨA ĐỀU XÁC ĐỊNH " CÁI NÀY LÀ CỦA TAO, KHÔNG AI CÓ QUYỀN TRÊN CÁI NÀY. DANG XA RA. ĐỪNG CÓ ĐỤNG VÀO LÂU ĐÀI CỦA TAO"...
Bạn có thấy điều đó không? -cũng là một trò chơi bổn cũ soạn lại được diễn ra dưới một ngàn lẻ một phương cách khác nhau từ xưa đến nay, trên khắp thế gian. Đây là toàn bộ cuộc chơi được gọi là thế gian.
NHƯNG HOÀNG HÔN XUỐNG DẦN......
Hoàng hôn luôn luôn đến, bạn không thể nào tránh khỏi được.
NHƯNG HOÀNG HÔN XUỐNG DẦN. TRỜI ĐÃ CHẬP CHOẠNG TỐI VÀ TẤT CẢ BỌN TRẺ ĐỀU NGHĨ ĐẾN VIỆC PHẢI VỀ NHÀ. BÂY GIỜ THÌ CHẲNG CÒN ĐỨA TRẺ NÀO QUAN TÂM ĐẾN NHỮNG GÌ SẼ XẢY RA CHO LÂU ĐÀI CỦA CHÚNG. cÓA ĐỨA DẪM CHÂN LÊN, CÓ ĐỨA LẤY TAY XÓA CHÚNG ĐI. XONG, AI NẤY ĐỀU QUAY TRỞ VỀ NHÀ MÌNH.
Nhưng bất hạnh thay, điều này không xảy đến cho đời sống của tất cả mọi người. Hoàng hôn đã đến rồi nhưng bạn cứ mãi bám víu vào buổi bình minh. Buổi hoàng hôn của đời người đã đến và ngay cả cái chết đã gần kề -thế nhưng bạn cứ mãi bám chặt vào cuộc đời và sự sống.
Hoàng hôn đến với tất cả mọi người, thế nhưng có rất ít những ai may mắn biết sử dụng cái buổi chiều của đời người này để bắt đầu nhận ra rằng không có gì thuộc về chúng ta cả, tất cả những lâu đài đều được làm bằng cát.
Bây giờ thì họ không thèm quan tâm đến những gì xảy ra cho những ngôi lâu đài đó nữa. Không những không lo lắng đến việc ai đó sẽ làm hư hại chúng, ngay cả chính họ cũng đã dẫm lên và phá hư chúng. Mọi chuyện đã kết thúc; hoàng hôn đã xuống rồi. Cánh cửa đời đã khép. Bây giờ là thời điểm quay về với mái nhà xưa.
Với Thiền gia, "trở lại nhà" có nghĩa là tìm về với bản thể uyên nguyên của chính mình, là bản lai diện mục. Nên tận dụng buổi hoàng hôn bất cứ lúc nào nó đến với bạn. Có thể nó đến rất nhiều lần trong đời -có lúc nó đến như là một thất bại, có lúc như một thất vọng chán chường, có lúc như là nỗi buồn phiền, có lúc như là một suy sụp tinh thần. Hãy tận dụng nó. Có lúc nó là nỗi sợ hãi, thống khổ, có lúc nó là cái chết, bệnh hoạn -thế nhưng hãy tận dụng nó. Bất cứ lúc nào hoàng hôn đến, hãy cố gắng để nhận ra rằng không có gì là thuộc về ta, rằng ta cũng không thuộc về bất cứ cái gì, rằng toàn bộ cái ý niệm thuộc về là cả một phi lý. Hãy nhận rõ điều đó. Và bất cứ lúc nào bạn bắt đầu nhận ra cái thế giới ngoại tại là hoàn toàn vô nghĩa, đừng có tạo ra thêm những ý nghĩa mới cho cái thế giới này, hãy khởi sự cuộc hành trình hướng nội, trở về lại mái nhà xưa.
NHƯNG HOÀNG HÔN XUỐNG DẦN. TRỜI ĐÃ CHẬP CHOẠNG TỐI
Bất cứ lúc nào bạn cảm thấy đi vào bóng tối, đi vào buồn phiền, đi vào tệ hại, bất cứ lúc nào bạn cảm thấy mình rơi vào một chuyện bất hạnh, hãy nhớ rằng -đó là lúc có tiếng gọi vẵng lên từ nơi cố quận: "Trở về nhà đi thôi. Cuộc chơi nay đã mãn."
....VÀ TẤT CẢ BỌN TRẺ ĐỀU NGHĨ ĐẾN VIỆC PHẢI VỀ NHÀ. BÂY GIỜ THÌ CHẲNG CÒN ĐỨA TRẺ NÀO QUAN TÂM ĐẾN NHỮNG GÌ SẼ XẢY RA CHO LÂU ĐÀI CỦA CHÚNG. cÓA ĐỨA DẪM CHÂN LÊN, CÓ ĐỨA LẤY TAY XÓA CHÚNG ĐI. XONG, AI NẤY ĐỀU QUAY TRỞ VỀ NHÀ MÌNH.
Trở về mái nhà xưa. Tìm kiếm lại, tìm kiếm tận bên trong ngôi nhà đó. Và đó là ngôi nhà của vô ngã, anatta - là hư vô, là tuyệt đối rỗng không. Đó là vô sắc và vô tướng, đó là cái mà ta gọi là niết bàn.
Một khi đã quay trở về nhà, bạn sẽ có một thị kiến hoàn toàn khác biệt về vạn pháp. Lúc đó là an lạc, là niềm vui. Sẽ không còn nữa hoàng hôn, bóng tối. Đất trời luôn là những bình minh, bởi vì lúc đó tất cả đều chỉ là một mùa xuân, là khúc ca bất tận, là vũ điệu không ngừng, là tưng bừng lễ hội.
Thế nên lần tới nếu bạn cảm nhận hoàng hôn đến gần và mọi vật trở nên nhập nhoà đen tối, hãy tận dụng cơ hội này như là một bàn nhún. Nhảy ngay vào hiện sinh của chính bạn. Tan biến ở trong đó.
Bạn đi vào vạn hữu như thế đã quá đủ; bây giờ khởi sự đi vào rỗng không, đi vào phi-hữu. Đã quá đủ để nhìn vào kẻ khác, bây giờ là lúc khởi sự nhìn vào chính mình. Chúng ta xuẩn động đến độ ngay cả khi nhìn lại chính mình, chúng ta cũng chỉ nhìn ngang mà không chịu nhìn thẳng vào. Vâng, đúng như vậy, có lúc bạn đang đứng trước tấm gương soi và nhìn ngắm chính mình, nhưng chẳng khác gì bạn đang nhìn ngắm ai đó -bạn chỉ nhìn từ phía bên ngoài, xem cái mặt, cái màu da, cái vỏ bọc.
Đã quá đủ để bạn nhìn vào kẻ khác, cũng quá đủ để bạn nhìn ngắm chính mình như người khách lạ. Thời gian đã đến rồi -hoàng hôn đã xuống, bóng tối đang phủ vây. Hãy bắt đầu nhìn vào bên trong. Hãy để cho tuệ giác bùng vỡ. Sự nổ bùng tuệ giác đó sẽ chuyển hoá bạn... từ một con sâu hoá thành con bướm.
(ST)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét