Thứ Ba, 13 tháng 12, 2016

ĐẠO VỐN KHÔNG LỜI (1)

Đạo vốn không lời
(Osho - Thiền - Con đường nghịch lý)


"Ðạo vốn không lời," Bồ Ðề Ðạt Ma tổ sư Thiền Ðông Ðộ đã nói như vậy - bởi vì bằng lời nói, thế gian được bắt đầu. Ðúng như những gì mà Thánh Kinh đã nói - "Lúc khởi nguyên đã có Ngôi Lời ". (1) Và lúc kết thúc cũng sẽ là Ngôi Lời.

Cái khoảnh khắc mà bạn đi vào thế giới ngôn từ, bạn bắt đầu rời xa sự thực. Bạn càng đi sâu vào lời chừng nào, bạn càng xa rời Thượng Ðế chừng nấy. Lời nói là một hư ngụy lớn lao. Nó không hề là một chiếc cầu, không hề là một phương tiện truyền thông - mà thật ra là một chướng ngại.

Bồ Ðề Ðạt Ma nói, "Ðạo vốn không lời," Nếu tâm của bạn không phát thành lời, trong cái tĩnh lặng đó chính là Thượng Ðế, là sự thật, là niết bàn. Cái khoảnh khắc mà lời nói chen vào, bạn không bao giờ còn là bạn nữa. Bạn đã đi xa. Ngôn ngữ đã mở ra một cuộc hành trình đưa bạn rời xa tự tánh. Thực ra, bạn không bao giờ thoát ra khỏi chính bạn - nhưng bạn có thể mơ ước điều đó. Thực ra, bạn luôn luôn hiện hữu ở đó, bạn chỉ có thể ở đó, mà không nơi nào khác -nhưng mà bạn vẫn có thể đi vào giấc ngủ và mơ một ngàn lẻ một giấc mơ khác nhau.

Tôi sẽ lại một lần nữa kể cho bạn nghe một trong những câu chuyện hay ho nhất đã được lưu lại -câu chuyện sa ngã của Adam. Truyện kể rằng Thượng Ðế cấm Adam ăn trái Cây Hiểu Biết. Ðiều này thì Thiền không có gì để phản đối, bởi vì chính hiểu biết đã làm cho bạn ngu dốt, chính hiểu biết đã không cho phép bạn nhận thức. Adam đã có khả năng nhận thức trước khi y ăn trái từ Cây Hiểu Biết. Nhưng ngay từ khoảnh khắc mà y ăn trái cấm này, cái khoảnh khắc mà y trở nên hiểu biết, y đã không còn biết gì nữa. Y đã giả từ sự ngây thơ vô tội. Y trở nên lém lỉnh, sắc sảo hơn. Trí tuệ đã ra đi. Vâng, trí thức có thể gia tăng nhưng trí tuệ không còn nữa. Trí thức không những chẳng dính líu gì đến trí tuệ mà còn là sự tương phản, đối nghịch. Bạn càng trở thành người trí thức chừng nào, bạn càng trở nên kém trí tuệ chừng nấy.

Thật ra, trí thức là vật thay thế để che dấu sự thiếu trí tuệ của bạn; nó là bạc giả. Bởi vì bạn không có trí tuệ nên bạn thay thế nó bằng trí thức. Trí thức là một cái gì đó rẽ tiền mà bạn có thể mua sắm dễ dàng ở bất cứ nơi đâu. Trong thực tế, người ta sẽ rất sẵn lòng san sẻ kiến thức của họ cho bạn. Người ta sẽ rất sẵn sàng quẳng tất cả những cặn bả rác rưới của họ lên người bạn.

Adam trở nên người có kiến thức -kể từ khi sa ngã. Kiến thức vì thế chính là sự sa đọa.
Câu chuyện kể rằng Adam đã ăn một trái táo, một quả từ Cây Hiểu Biết. Ðây không thể nào là một trái táo. Những trái táo không hề được nuôi lớn từ Cây Hiểu Biết. Có một đìểm nào đó trong câu chuyện không được ổn. Những trái táo rất là ngây thơ vô tội -bạn không thể bị tống cổ, trục xuất ra khỏi thiên đường chỉ vì ăn một trái táo. Thượng Ðế không thể nào quá đỗi giận dữ như thế đối với bạn.

Không, không thể nào là một trái táo; táo chỉ là sự ẩn dụ. Ðây phải là lời nói, ngôn ngữ. Trên Cây Hiểu Biết kết đầy những trái ngôn từ, ý niệm, triết lý, hệ thống -không hề là những trái táo. Hãy quên trái táo của bạn đi. Hãy nhớ rằng đó là ngôn ngữ.

Và rồi, con rắn là người thầy giáo đầu tiên của nhân loại, trong hệ thống giáo dục sơ khai. Con rắn -kẻ lừa mị đầu tiên đó, cũng là người viện sĩ đầu tiên của chúng ta. Y đã dạy bài học bịp bợm gian trá đầu tiên về hiểu biết: xúi biểu Eve ăn trái cấm. Y đã không thể thuyết phục được Adam một cách trực tiếp. Tại sao như thế? Tại sao y phải thuyết phục Eve trước tiên? Bởi vì Eve dễ dàng bị tấn công hơn. Phụ nữ luôn luôn dễ bị tấn công, họ cởi mở, nhu nhược và mềm yếu hơn. Họ rất dễ bị người ta xỏ mũi lôi đi ; họ rất dễ dàng bị ám thị ; họ có thể bị thôi miên dễ dàng hơn một người đàn ông. Thế là con rắn đã thuyết phục được người đàn bà. Y không những là nhà viện sĩ đầu tiên mà còn là người chào hàng đầu tiên của nhân loại nữa. Và y là người chào hàng thành công.

Tuy nhiên y đã không làm điều gì sai trái. Những gì y nói ra đều đúng sự thật. Y nói rằng, "Bạn sẽ trở thành người hiểu biết, nhận thức được cái gì là cái gì. Không ăn trái cây này, bạn sẽ không bao giờ biết gì cả."

Có một loại hiểu biết hoàn toàn khác biệt: bạn biết và đồng thời cũng không thể biết được cái gì là cái gì. Ðây là một loại hiểu biết khá phức tạp. Nó không được xếp loại, phân chia hay phân tích. Adam chắc là đã sống trong trạng thái ngây thơ vô tội không thể phân tích đó. Khoa học không có mặt ở đây; chỉ có tín ngưỡng -tất cả được bao phủ trong một bầu khí tín ngưỡng. Adam chắc chắn là một huyền nhiệm trước khi ăn trái Cây Hiểu Biết -mọi đứa trẻ đều là một huyền nhiệm. Mọi đứa trẻ được sinh ra như là một huyền nhiệm trước khi chúng ta lôi chúng vào trường học, hệ thống giáo dục, làm quen với các con rắn. Con rắn đó chính là văn minh, văn hóa, là điều kiện cách.

Con rắn là một sinh vật qủy quyệt và là một ẩn dụ khá hoàn toàn. Nó rất là gian manh, trơn tuột như lươn -chẳng khác gì luận lý. Bạn không thể biết trước nó đi đến đâu. Nó đi không cần đến chân; không chân mà vẫn di động, mà lại di động rất nhanh. Giống như những điều dối trá. Dối trá thường không có chân đứng cho nên phải mượn đỡ đôi chân từ chân lý; đó là lý do tại sao mọi điều dối trá đều luôn luôn cố gắng tối đa để chứng tỏ rằng mình là chân lý. Nhưng chẳng qua đó chỉ là những cặp chân vay mượn.

Con rắn -người thầy giáo, vị viện sĩ đầu tiên của chúng ta- đã thuyết phục Eve không mấy khó khăn, và Adam dĩ nhiên đã bị Eve thuyết phục tin theo mình. Người phụ nữ luôn luôn rất có uy thế với đàn ông -tất cả những gì mà người đàn ông suy nghĩ đều không được đếm xỉa đến, ấy thế mà y cứ luôn làm bộ như mình là quan trọng; như mình có nhiều uy thế hơn. Thật là vô nghĩa. Và người đàn bà cứ để cho người đàn ông nghĩ như thế -hoàn toàn "okay", không có vấn đề, cứ để cho y nghĩ như thế. Ðiều này có làm đổi thay được tình huống gì đâu. Người đàn bà luôn luôn là kẻ cầm cân nẩy mực.
Mọi chuyện đều có lý lẽ của nó... Giống cái luôn có uy thế hơn giống đực; nhu luôn thắng cương, nước chảy đá mòn. Bạn có thể hỏi Lão Tử, nhà minh triết phương Ðông, về chuyện này. Ông ta biết rất rõ. Ông ta biết rất rõ dù không phải là người giàu kiến thức. Ông ta bảo rằng nếu bạn muốn có quyền lực lâu dài, hãy trở thành nhu, hãy trở nên thụ động. Thụ động luôn luôn có sức mạnh hơn, hàm súc hơn năng động -đó là lý do tại sao đàn ông không thể mang thai. Y chẳng khác gì một bãi sa mạc cằn khô. Chỉ đàn bà là có khả năng mang thai, mang sức sống tiềm ẩn. Người đàn bà chuyên chở sự sống; chứa đựng đời sống ở trong họ. Rất nhiều đời sống.

Adam đã bị lọt bẩy, rất thích thú với điều này. Anh ta chắc đã nghĩ rằng nếu càng có nhiều kiến thức y sẽ càng trở nên năng động hơn, sẽ hiểu biết nhiều hơn. Y chắc chắn đã trở thành một con người đầy tham vọng. Ðó là những gì mà con rắn đã mang đến. Con rắn há đã chẳng nói rằng, "Nếu bạn ăn trái táo này bạn sẽ chẳng khác gì Thượng Ðế, đầy quyền lực như Thượng Ðế -đó là lý do mà Thượng Ðế cấm bạn ăn trái cấm này. Ngài lo sợ, ngài ghen tức với bạn."

Mỗi đứa con trai trong gia đình đều có cung cách suy nghĩ như vậy -rằng người cha đang ghen tức với mình, rằng cha mình lo sợ mình, rằng ông ta không bao giờ muốn con cái có quyền để ông có thể luôn luôn điều khiển được chúng.

Câu chuyện ngụ ngôn trong kinh thánh này là một câu chuyện ngụ ngôn rất hay ho, chứa đựng nhiều ý nghĩa thâm thúy.

Adam nguyên ở trong trạng thái hiểu biết đơn thuần, thế rồi y trở thành con người có kiến thức. Thế là tôn giáo tín ngưỡng biến mất, và khoa học lên ngôi. Khoa học ... cái tiếng 'khoa học' rõ ràng đã mang sẵn ý nghĩa kiến thức. Thế nên những trái cấm đó chính là trái cấm khoa học. Adam đã đánh mất sự hồn nhiên vô tội và trở thành người lém lỉnh xảo quyệt.

Ðiều này xảy ra cho tất cả mọi đứa trẻ được sinh ra trong thế giới này. Mỗi đứa trẻ đều được sinh ra trong khu vườn của Thượng Ðế -Vườn Ðịa Ðàng Eden- và rồi chúng bị rù quyến bởi những con rắn văn minh, văn hóa, giáo dục. Mỗi đứa trẻ đều bị điều kiện hóa, bị lôi kéo, bị điều khiển nhằm hướng đến tham vọng, những mục tiêu thoả mãn bản ngã -có quyền lực như những ông thượng đế, đó là tất cả tham vọng của khoa học. Khoa học tin rằng một ngày nào đó mình có thể khám phá ra tất cả mọi bí ẩn của vũ trụ và con người trở thành thượng đế, với quyền lực bất tận. Ðó chỉ là một tham vọng, một cuộc phiêu lưu của bản ngã.

Chúng ta kéo lê từng đứa trẻ hướng về bản ngã cá nhân mà bản ngã thì lại sống bám vào ngôn ngữ. Thế nên một đứa trẻ càng nói sỏi chừng nào nó càng trở nên vị kỷ chừng nấy. Khả năng diễn tả, truyền đạt ý tưởng của nó bằng lời càng xuất sắc chừng nào, nó càng trở nên nổi tiếng chừng ấy. Nó sẽ trở thành nhà lãnh đạo hay văn hào, nhà thơ, v.v... -đây là những con người nổi tiếng nhất trên thế giới. Nó cũng có thể trở thành nhà tư tưởng, giáo sư Ðại học hay là một triết gia. Ðây là những con người chuyên chế ngự kẻ khác.

Tại sao họ có thể chế ngự trong thế giới này? Một người ăn nói lưu loát là một người có khả năng chi phối. Làm gì có chuyện một anh lãnh đạo đần độn, ăn nói không ra hồn, không diễn tả được những điều mình suy nghĩ lại trở thành nổi tiếng? Không bao giờ. Danh tiếng đến từ ngôn ngữ. Thế là đứa trẻ bắt đầu ngày càng trở nên gắn bó với ngôn ngữ, với lời nói -và Bồ Ðề Ðạt Ma cho rằng, "Bất lập văn tự."

Tôi đã gọi con rắn là người thầy giáo đầu tiên. Thế nên nỗ lực chính của một vị Ðạo Sư tôn giáo không gì ngoài việc làm thế nào để giải trừ con rắn này, làm thế nào để giải trừ tất cả những gì mà bạn đã được dạy dỗ, làm thế nào để giải trừ cả một hệ thống giáo dục, làm thế nào để giải phóng bạn ra khỏi tình trạng bị điều kiện hóa, làm thế nào để giúp bạn giải trừ ngôn ngữ. Khoảnh khắc mà ngôn ngữ được giải trừ, bạn trở lại thành con người ngây thơ vô tội -đó là cái mà người ta gọi là thánh quả, là ngây thơ, là vô nhiễm nguyên tội.

Cái khoảnh khắc mà ngôn ngữ lìa khỏi tâm và bạn không bao giờ còn quay cuồng chung quanh lời nói, một sự tĩnh lặng vô biên xuất hiện... sự tĩnh lặng mà hầu như bạn đã lãng quên từ một thuở xa xưa nào đó. Bạn không hề được cảnh báo rằng bạn đã từng có nó. Nó tràn ngập bạn khi bạn còn là bào thai nằm trong bụng mẹ. Nó chan hoà hiện hữu khi bạn mới sanh ra, lần đầu tiên mở mắt chào đời. Nó luôn ở đó, cực kỳ sống động. Bạn sống trong nó vài ngày, vài tháng, vài năm. Và rồi nó biến mất, từ từ biến mất. Những bụi bặm chồng chất và rồi tấm gương không còn phản chiếu nữa. Khi người ta nói rằng bạn đã trưởng thành cũng có nghĩa là bạn đã đánh mất đi sự thơ ngây vô tội.

Người ta đã làm hư hỏng đời bạn, người ta đã thôi miên và đưa bạn vào ngôn ngữ. Bây giờ bạn nghĩ rằng mình thấy, nhưng thực ra bạn không nhìn thấy gì hết. Bây giờ bạn nghĩ rằng mình biết nhưng thực ra bạn không biết gì cả. Bạn quanh quẩn hết chỗ này đến chỗ nọ nhưng không bao giờ đi vào đúng mục tiêu. Bạn chỉ chạy lòng vòng thôi. Bạn sẽ nói về Thượng Ðế, nói về tình yêu, nói đủ thứ chuyện nhưng bạn chẳng hề biết rõ cái gì cả -bởi vì để biết về yêu bạn phải yêu trước đã. Suy nghĩ về nó, đọc trăm cuốn sách về nó cũng chẳng ích lợi gì hết. Bạn có thể trở thành một chuyên gia nặng ký về tình yêu nhưng thực ra bạn hoàn toàn mù tịt về nó. Phải thực chứng trước đã. Ngôn ngữ cực kỳ tráo trở. Nó thay thế chân lý bằng sự nói về chân lý.

Một hôm có một người đến gặp tôi và cho biết, "Bây giờ tôi mới được biết về Thượng Ðế." Tôi trả lời, "Tại sao lại biết về? Tại sao không tự mình chính là Thượng Ðế?" Vâng, tại sao lại biết về? Nó giúp ích được cái gì khi bạn chỉ biết về Thượng Ðế? Vâng, bạn có thể tích luỹ được một số thông tin, dữ kiện, bạn sẽ trở nên giàu kiến thức -nhưng điều này chẳng giúp ích gì cho bạn cả, nó chẳng hề làm bạn thăng hoa, chẳng hề biến thành ánh sáng giác ngộ ở trong bạn. Bạn vẫn chìm ngập trong bóng tối như bao giờ.


Tất cả những nỗ lực của Chúa Giê Su, của Ðức Phật, của Bồ Ðề Ðạt Ma không gì khác hơn ngoài việc làm thế nào để giải trừ tất cả những gì mà xã hội đã tác động lên bạn. Ðây là những con người chống lại xã hội nhất trong thế giới này. Họ phá hủy tất cả những gì mà xã hội đã tạo dựng lên chung quanh bạn, tất cả những rào chắn chung quanh bạn, tất cả hàng rào phòng thủ chung quanh bạn, tất cả những bức tường chung quanh bạn -họ phá hủy, tiếp tục phá hủy. Như là những con người hư vô chủ nghĩa vĩ đại. Chỉ có một việc đơn giản là phá hủy -Phá hủy bởi vì không cần thiết phải tạo dựng lên. Nó đã có sẵn ở đó. Ðâu cần phải sáng chế ra mà chỉ cần khám phá ra. Hay, nói một cách chính xác hơn, khám phá trở lại.
(còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét