Thứ Hai, 19 tháng 12, 2016

ĐẠO VỐN KHÔNG LỜI (6)

ĐẠO VỐN KHÔNG LỜI (6)

Osho



Nhưng hãy nhớ rằng -tại sao nó chỉ xảy ra khi bạn đã tận tâm tận lực để tìm cách giải quyết vấn đề? Vâng, chỉ vào lúc đó nó mới xảy ra. Chỉ khi nào cái khả năng của bộ óc của bạn kết thúc ở tột đỉnh thì lúc đó trực giác mới bắt đầu làm việc. Ðây là một năng lượng cao cấp hơn. Chỉ khi nào bạn sử dụng hết năng lượng của bộ óc, bạn mới có thể có khả năng sử dụng đến nó -từ đây bạn mới có thể nhảy một bước đi vào trực giác.

Chỉ riêng trực giác cũng sẽ không mang lại kết quả. Không tin ư? Bạn có thể đi ngay đến Bồ Ðề Ðạo Tràng ngồi vào dưới gốc cây mà ngày xưa Ðức Phật đã ngồi và đạt đến giác ngộ, rồi hoàn toàn thư giản và bạn nói, "Tôi đã buông xả tất cả." Sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra cho bạn cả, bởi vì bạn có gì đâu để buông xả. Ít nhất là cũng phải có đến sáu năm lao tâm khổ trí. Ðể đạt đến tình trạng vô tác phải cần đến một tác hành lớn lao.

Trí óc đối với trực giác, luận lý đối với tình yêu... Ðây là hai cách thế của một sinh thể -luận lý và tình yêu. Luận lý là một đường thẳng; thương yêu là một tổng thể. Luận lý đi theo một con đường thẳng cũng giống như ngôn ngữ. Bạn có để ý đến chuyện này không? Ngôn ngữ chuyển động trên con đường thẳng cũng giống như luận lý. Thế nhưng hiện hữu không hề là một phương trình đường thẳng. Hiện hữu là một kích thích đồng bộ. Không hề có chuyện tôi hiện hữu, rồi bạn hiện hữu, rồi người khác hiện hữu, rồi cây, rồi núi -tất cả chúng ta đều hiện hữu đồng bộ, cùng nhau.

Ngôn ngữ là hư ngụy bởi vì chúng xếp đặt mọi việc theo một đường thẳng. Khi bạn đặt một câu: chữ đầu tiên xuất hiện, rồi đến chữ khác, và chữ khác nữa. Văn phạm ra điều lệ cứng nhắc buộc chữ nào phải đặt trước, rồi đến chữ nào, và những chữ kế tiếp -mọi chuyện đều phải theo đúng y như vậy.

Ðó là lý do tại sao chữ Hán là một trong những ngôn ngữ tuyệt vời nhất -bởi vì nó ít mang màu sắc ngôn ngữ nhất. Chữ Hán không có mẫu tự. Bởi vì không có mẫu tự, chữ Hán hiện hữu một cách hoàn toàn đồng bộ. Nó chân thực hơn đối với hiện hữu hơn bất kỳ loại ngôn ngữ nào. Nó uyển chuyển hơn, không cứng nhắc cố định. Nó giống tình yêu hơn là luận lý. Nó gần với trực giác. Nó đến từ cái bụng. Nó có thể hàm chứa ý nghĩa một ngàn lẽ một chuyện khác nhau. Thế nên, người ta cho rằng loại ngôn ngữ này rất là không phù hợp với khoa học. Vâng, nó không khoa học chút nào -tình yêu cũng không khoa học, hiện hữu cũng không khoa học. Nó bao hàm nhiều ý nghĩa khác nhau. Nó gần gũi với thi ca.

Thế nhưng tính cách của nó là như thế. Một cái cây có thể mang một ngàn lẻ một ý nghĩa khác nhau nhưng đồng thời cũng có thể không mang một ý nghĩa nào. Ðối với nhà hoạ sĩ nó mang một ý nghĩa, đối với người tiều phu nó có một ý nghĩa khác, đối với một nhà thơ nó lại có một ý nghĩa khác nữa rồi và đối với bất cứ ai không hế quan tâm đến cây cối, nó chẳng hề mang một ý nghĩa nào cả. Cái cây mang một ý nghĩa đối với những đứa trẻ đang đùa chơi chung quanh nó; đối với những người thờ cúng dưới gốc cây, nó là Thượng Ðế. Một ngàn lẻ một ý nghĩa. Một cái cây không hề bị cột chặt vào một ý nghĩa duy nhất. Chữ Hán mà mỗi chữ là một hình ảnh tượng trưng có thể mang nhiều ý nghĩa trong cùng một lúc. Bạn có thể tiếp cận chúng từ mọi hướng khác nhau.

Thế nhưng ngôn ngữ lại là một con đường thẳng. Một con đường thẳng di động; cái này đến cái kia và rồi mọi chuyện xảy ra. Luận lý cũng thế, đi từ cái này đến cái khác và rồi kết quả xảy ra. Và nếu cái này xảy ra thì cái kia không thể xảy ra. Hãy nhìn một thí dụ: Một khi bạn nói điều này, bạn không thể nói điều ngược lại -bạn bị cấm làm chuyện như thế. Nhưng trong hiện hữu, các đối cực đều có thể cộng sinh. Ðời sống và cái chết, tình yêu và thù hận, chúng có thể hiện hữu cùng nhau -không phủ nhận nhau. Không hề có chuyện nếu tình yêu hiện hữu thì thù hận không có mặt. Ánh sáng hiện hữu cùng với bóng tối -nhưng khi làm văn, nếu bạn nói, "Trong phòng tràn đầy ánh sáng," thì bạn không thể nói tiếp liền ngay sau đó là "Căn phòng phủ đầy bóng tối". Ðó là chuyện không thể nào chấp nhận được. Thế là bạn đã đóng khung ngôn ngữ lại. Bạn đã phải loại bỏ tính cách nghịch lý. Mà hiện hữu là nghịch lý.

Và tôi gọi Thiền là con đường của nghịch lý. Vâng, Thiền là nghịch lý. Trực giác là nghịch lý. Nó không phải là một con đường thẳng, nó là một không gian nhiều chiều kích.

Ý thức với vô thức. Nhưng xin hãy nhớ cho, khi tôi nói vô thức, đây không phải là vô thức của Freud. Ðó là một vô thức hết sức nghèo nàn, một mảng nhỏ của vô thức, hay nói khác đi, đó chỉ là một loại ý thức bị đè nén. Ðối với Thiền, vô thức là Thượng Ðế. Ðối với Thiền, ý thức rất đổi nghèo nàn -đó chỉ là một mảng nhỏ, phần nổi của một băng sơn. Phần vô thức là bao la, rộng khắp, vĩ đại, vô giới hạn. Phần ý thức phải bị hoà tan vào vô thức, không có một cách thế nào khác -không hề có chuyện vô thức biến thành ý thức. Và vô thức thì an trú ở cái bụng.

Hãy nhớ thêm điều này, ý nghĩa của từ "vô thức" không được chỉnh lắm, sẽ làm cho người ta hiểu lầm rằng vô thức là không có ý thức. Không phải như thế. Ðây là một loại ý thức khác. Không phải là loại ý thức mà bạn đã từng biết mà là một loại ý thức đặc biệt, hoàn toàn khác biệt -không phải tri thức trực giác; không phải phân tích cũng không phải tổng hợp; và không thể phân chia ra được.

Bộ phận với toàn thể. Cái đầu chỉ là một bộ phận. Cái bụng của bạn mới là cái tổng thể. Cái đầu chỉ nằm ở trên đường tròn chu vi của bạn, cái bụng mới là trung tâm điểm.

Hành động với sự cố. Ðối với cái đầu, mọi chuyện phải được hoàn tất, đây là một nhà làm việc giỏi. Ðối với cái bụng, mọi chuyện chỉ là những sự cố xảy ra; vô tác.
Chết với sống. Ở trong đầu, cái chết được tích lũy, bởi vì tất cả những ý nghĩ đều đã chết. Trong bụng là nhịp đập của đời sống .
Và cuối cùng, của cải với sinh thể. Cái đầu là một kẻ tích trữ, là một anh keo kiệt, luôn luôn chỉ biết tích lũy. Tất cả mọi nỗ lực của nó là làm thế nào để có thêm, có nhiều thêm. Kiến thức hay tiền bạc, không thành vấn đề, miễn là có càng nhiều càng tốt -thêm bồ bịch, thêm nhà cửa, thêm tiền bạc, thêm quyền lực, thêm kiến thức, thêm, thêm nữa.
Cái đầu tiếp tục nỗ lực sở hữu nhiều thêm vì nó nghĩ rằng càng được thêm nhiều thì nó càng phong phú thêm. Nhưng nó sẽ không bao giờ trở thành phong phú vì của cải không thể chuyển hoá thành sinh thể.
Cái bụng là trung tâm của sinh thể; nó không suy nghĩ theo cung cách chiếm đoạt, nó suy nghĩ theo hướng của một sinh thể. Sống như là một người. Một người luôn an vui trong từng khoảnh khắc của như thị. Trong khoảnh khắc của như thị đó đều gồm đủ tất cả mọi chuyện - mọi ân sủng và phúc lành.

Vị Thiền sư nói rằng, "Nó làm cái bụng ta khó chịu," ông muốn bao hàm tất cả những điều trên. Cái đầu rất là độc hại. Hãy buông bỏ nó. Nhưng buông bỏ nó không có nghĩa là tôi khuyên bạn không sử dụng nó. Bạn vẫn sử dụng nó nhưng không để cho nó sử dụng bạn.
(Thiền - Con đường nghịch lý)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét