Thứ Hai, 19 tháng 12, 2016

ĐẠO VỐN KHÔNG LỜI (5)

ĐẠO VỐN KHÔNG LỜI (5)

Osho



Bây giờ người học trò nêu câu hỏi,
"Thế nhưng có gì là trái tự nhiên khi một Thiền sinh nói chuyện về Thiền?"

Ðây là một người học trò, không phải là một môn đồ -thế nên mới có chuyện rối rắm như vậy. Y hỏi, "Có gì là trái tự nhiên?" Vâng, đối với người học trò, đây là chuyện rất tự nhiên. Người học trò đâu có thể làm gì khác hơn? Người học trò, nhà học giả, vị giáo sư -tất cả đều quan hệ với ngôn từ. Họ thiết lập văn tự. Họ đặt ra từ mới. Họ đùa giỡn với chữ nghĩa. Tất cả dịch vụ của họ tập trung chung quanh ngôn từ -những ngôn từ trống rỗng, nhạt thếch. Thế nhưng họ vẫn cứ tiếp tục chơi trò chữ nghĩa, lại cứ tiếp tục sáng chế ra những ngôn từ mới.

"Thế nhưng có gì là trái tự nhiên khi một Thiền sinh nói chuyện về Thiền?" Dĩ nhiên, đối với một người học trò, không nói ba hoa về Thiền mới là điều trái tự nhiên. Bởi vì người ta tìm đến vị Thiền sư để làm gì? Mục đích người ta tìm đến Thiền viện làm gì nếu không để được nói? Ðó là điều tự nhiên thôi.

Thế nhưng đây không phải là điều tự nhiên đối với một môn đồ. Người môn đồ tìm đến đây để được trở nên tĩnh lặng. Một môn đồ biết rằng trở nên lặng yên mới là điều tự nhiên. Lắng nghe Thầy mình trong yên lặng. Thật ra, không nên quá chú trọng vào lời của ông ta nói mà hãy lắng nghe sự tĩnh lặng của ông ta luôn ở sau lời. Bạn bắt đầu bằng cách lắng nghe những lời ông ta nói và rồi từng tí một, bạn bắt đầu lắng nghe sự tĩnh lặng của vị Thầy. Với từng bước đi chầm chậm bạn chuyển dần từ ngôn từ qua tĩnh lặng. Với từng bước đi chầm chậm sự thay đổi xảy đến, những đổi thay từ cơ cấu -bây giờ thì bạn không còn quan tâm đến những gì mà Thầy mình nói, bạn trở nên quan tâm với cách thế hiện hữu của ông ta.

Ðối với một môn đồ, đó là chuyện tự nhiên, nhưng đối với một người học trò, dĩ nhiên anh ta đâu có thể làm gì khác hơn? Anh ta vẫn có thể nói và câu hỏi đặt ra có thể làm người môn đồ bối rối, "Thế nhưng có gì là trái tự nhiên khi một Thiền sinh nói chuyện về Thiền? Tại sao Thầy lại ghét người ta nói về Thiền?" Vị Thiền sư không hề ghét. Ông ta không thể ghét. Ông ta đã nhận chân được sự phù phiếm của nó. Nên nhớ rằng, yêu và ghét cả hai đều có quan hệ với nhau. Vị Thiền sư không còn dính dáng một chút nào đến lời; ông ta không yêu và cũng không ghét ngôn ngữ.

Ghét cũng là một mối tương quan, khi còn ghét là bạn vẫn còn chưa được tự do, bạn vẫn còn bị trói buộc. Trong một cách thế nào đó, bạn vẫn còn bám víu, vẫn còn lo lắng. Bạn có thể trốn chạy ra khỏi ngôn ngữ nhưng mà bạn vẫn chưa được giải phóng. Bạn vẫn còn quan tâm đến nó và cái ngôn ngữ đó vẫn còn tiếp tục ám ảnh bạn.

Không hề có chuyện vị Thiền sư thù ghét ngôn ngữ, ông ta đã hoàn toàn được giải phóng khỏi nó. Ông ta không có bất cứ mối quan hệ nào với ngôn từ, ông ta đã chặt đứt chiếc cầu nối. Vị Thiền sư sống trong vô ngôn, vô niệm. Ông ta sống trong mặc chiếu -mo chao, trong yên lặng, phản chiếu trong tịch tĩnh. Ông ta chỉ là một tấm kiếng trong suốt.
"Bởi vì", vị Thiền sư trả lời một cách thẳng thắn, "nó làm cái bụng ta khó chịu."
Ðây là một ẩn dụ của Thiền. Bạn phải hiểu cho được ý nghĩa của nó.

Thiền giả thường cho rằng luôn luôn có sự tranh chấp giữa cái đầu và cái bụng -và cái đầu luôn làm phiền cái bụng. Cái đầu rất là độc hại đối với cái bụng. Cái bụng mới chính là trung tâm an trú thực sự của con người bạn. Cái đầu đã trở thành nhà độc tài nhờ ngôn ngữ, và lời nói, nhờ học thuyết, giáo dục, và học vấn, kiến thức. Cái đầu hầu như đã muốn chiếm luôn vị trí của cái bụng -không thể như vậy được. Cái đầu này có thể được dẹp qua một bên, dẹp cái đầu đi bạn không mất mát gì cả, được thêm nhiều thì có. Dẹp nó đi bạn được tất cả. Sống với cái đầu là bạn sống trong ngôn ngữ chết. Chúng không hề làm thỏa mãn bạn, chúng không thể giải phóng bạn. Ðó là chuyện cái đầu với cái bụng.

Mới đêm hôm trước đây tôi có nói chuyện với các bạn về một vị Thiền sư có thói quen để hai con búp-bê bên cạnh mình. Chúng giống nhau như đúc ngoại trừ sự khác biệt bên trong. Một con có cái đầu rất nặng, chắc là được nhồi kim khí ở trong đầu. Một con rất nặng ở phần dưới đít, có lẽ do kim khí được nhồi vào bụng. Chúng hoàn toàn giống nhau, y phục cũng giống y nhau. Chúng luôn được đặt ngồi cạnh vị Thiền sư.

Thế rồi hễ có bất cứ ai đến kiếm ông nêu lên những câu hỏi đại khái như, "Thiền là gì?" hoặc "Thiền định là gì?" và "Làm thế nào để đạt đến?"... Thế là trước tiên vị Thiền sư thảy ra một con búp bê -con nặng đầu trước- con này té lăn cù và dĩ nhiên là không thể ngồi dậy được. Làm thế nào mà ngồi dậy khi cái đầu quá nặng? Rồi ông đẩy con búp bê thứ hai ra -con nặng đít, và cho dù ông xô đẩy thế nào đi nữa thì con búp bê này cũng bật trở lại như cũ trong thế ngồi tỉnh tọa của Phật.

Ông kết luận, "Ðây là Thiền -cái bụng. Ðây là Ðông phương -cái bụng."

Trong tất cả những quốc gia phương Ðông trước đây, đặc biệt là vùng Viễn Ðông, người ta hay dùng hai chữ bụng dạ để nói đến con người. Trong những ngày xưa cũ đó -cũng chừng một trăm năm trở lại đây thôi- nếu bạn đến Nhật và hỏi bất cứ người nào rằng họ suy nghĩ ở đâu, họ sẽ chỉ vào bụng và nói, "Chúng tôi suy nghĩ ở đây." Bây giờ những con người này không còn nữa, đặc biệt là sau đệ nhị thế chiến. Nhật Bản cũng đã trở thành giống như con búp bê thứ nhất -do ảnh hưởng Mỹ chi phối quá nhiều. Bây giờ họ sẽ cười và không còn ai nói với bạn rằng họ suy nghĩ bằng cái bụng -họ sẽ cho là chuyện ngu xuẩn nữa là khác. Bây giờ họ bắt đầu suy nghĩ bằng cái đầu.

Tuy nhiên cái hàm ý nhấn mạnh này rất quan trọng. Cái bụng là nguồn gốc sự sống của bạn. Bạn được nối với người mẹ bằng cái cuống rốn; chính từ đây mà nhịp đời tuôn chảy. Còn cái đầu, nó ở một góc xa nhất của đời bạn, trong khi trung tâm là cái cuống rốn. Cuộc sống của bạn, sự hiện hữu của bạn được an trú ở đó. Sự suy nghĩ của bạn có thể xảy ra ở cái đầu nhưng suy nghĩ chỉ là một bộ phận chuyên biệt. Giống như đôi tay được dùng cho một công việc nào đó, đôi chân cho một số công việc khác, rồi đôi mắt, lỗ tai, và cái mũi, v.v... như thế bạn dùng cái đầu, cơ chế vận hành bộ não của bạn, để suy nghĩ, thế thôi.

Thế nhưng câu hỏi được đặt ra, ai là kẻ sử dụng tất cả những cái này? Ai dùng đôi chân để đi, ai dùng đôi tay, ai dùng đôi mắt? Và rồi ai dùng bộ não? Ðến bây giờ, ngay cả giới Tâm lý học Tây phương cũng đang tỏ ra ngờ vực về ý tưởng cổ lổ của họ cho rằng bộ não chính là tâm. Một mối hoài nghi lớn đang nhen nhúm: Không phải như thế. Một số người đã bắt đầu suy nghĩ rằng bộ não không dính gì đến tâm.

Ngay chính bản thân bạn thỉnh thoảng cũng có kinh nghiệm này. Cụ thể như, bạn vừa trông thấy một người đàn ông mới đi băng ngang qua đường... Bạn nhớ lại khuôn mặt anh ta, bạn nhớ mài mại rằng bạn đã từng biết y, bạn tin chắc rằng bạn đã biết tên của người này rồi, thốt nhiên cái tên đó như nằm ở trên đầu lưỡi. Và bạn tự bảo, "Nó ở trên lưỡi mình mà. Tôi biết là nó nằm ở đó, nhưng nó chưa chịu thốt ra."

Có hai sự việc đang xảy ra. Bộ não đang cung cấp cái tên nhưng phải cần một ít thời gian. Nó nói rằng, "Làm ơn, hãy chờ một chút. Nó có đó, ở trong bộ nhớ mà. Hãy chờ một chút đi." Nhưng kẻ đang chờ đợi không phải là bộ óc -vì bạn biết cái tên này mà, "Vâng, Tôi biết nó ở đó." Bộ óc là cơ phận mà tâm đang sử dụng. Khi bạn cố gắng hết sức mà vẫn không nhớ ra, bạn cảm thấy bực bội và không thèm nghĩ đến chuyện này nữa. Bạn bỏ đi ra vườn, đốt một điếu thuốc -và bỗng dưng nó hiện ra.

Bạn và bộ não của bạn là hai sự việc khác nhau. Bộ não chỉ là một cơ phận của bạn -giống như các cơ phận khác. Cái bàn tay này là một cơ phận của tôi; tôi sử dụng nó. Bộ óc của tôi là một cơ phận của tôi; tôi dùng nó.
Như vậy đâu là trung tâm an trú của tâm? Thiền cho rằng nó ở trong bao tử, trong bụng, trong cái cuống rốn -chính ở đó, nơi mà nhịp đập đầu tiên của sự sống xuất hiện. Từ đó nó tuôn chảy ra khắp nơi. Hãy đi trở lại chỗ này.

Khi vị Thiền sư bảo, "Bởi vì nó làm cái bụng ta khó chịu", ý ông ấy muốn nói rằng những người nặng về đầu óc tác động mạnh vào tâm của ông. Họ là náo động, là phiền nhiễu. "Nó làm cái bụng ta khó chịu'"

Chuyện cái đầu với cái bụng có thể được nhân ra thành nhiều dạng đối đãi khác: trí óc với trực giác; lý luận với tình yêu; ý thức với vô thức; bộ phận với toàn thể; hành động với sự cố; sống với chết; của cải với sinh thể. Tất cả bảy cặp tương quan này đều khả hữu và có ý nghĩa.
Trí óc thì rất là giới hạn; trực giác thì vô tận. Trực giác luôn luôn đến từ cái bụng. Bất cứ lúc nào bạn trực giác một chuyện gì đó sắp xảy đến với bạn -ta gọi là linh cảm- nó luôn luôn đến từ cái bụng. Cái bụng của bạn sẽ bị ảnh hưởng ngay lập tức, gan ruột của bạn như bị cồn cào lên. Khi bạn yêu một người, bạn không yêu bằng cái đầu -thế nên những người thuần trí gọi đó là tình yêu mù quáng. Ðúng vậy, vì bộ óc của bạn không hề xen vào chuyện này. Khi bạn yêu, tình yêu được bắt nguồn từ một chỗ khác. Nếu bạn hỏi những nhà khoa học lớn, những thi hào, những thiên tài sáng tạo, họ cũng sẽ nói rằng khi một phát kiến, một ý tưởng mới mẻ xảy đến với họ, nó không hề đến từ cái đầu, không toát ra từ bộ óc, mà là một nơi nào đó vượt ngoài khả năng hiểu biết của họ.

Nhà thiên tài khoa học Marie Curie trong suốt ba năm trời vật lộn với một bài toán không tìm ra lời giải. Bà đã làm tất cả những gì có thể làm được. Bà là một thiên tài toán học nhưng bà đã chịu thua trước bài toán này, bà đã hoàn toàn thất bại. Rồi một đêm, bà dẹp nó qua một bên không còn nghĩ tới nữa. Tất cả những nỗ lực có vẻ như đã không đi đến đâu và rồi cũng sẽ chẳng đi đến đâu cả. Ba năm quả là một thời gian khá dài cho một bài toán.
Ðêm đó bà đã hoàn toàn dứt khoát dẹp nó qua một bên. Sáng hôm sau bà khởi sự bắt tay làm việc cho một dự án mới. Nhưng chính đêm hôm đó, cái vấn nạn của bài toán đã được giải quyết xong. Vào lúc nữa đêm bà thức dậy, đi đến bàn làm việc và giải xong bài toán một cách chóng vánh rồi lên giường đi ngủ trở lại.

Sáng hôm sau khi trở lại bàn làm việc bà đã không còn tin vào đôi mắt của mình nữa. Ai đã vào phòng để giải bài toán này? Chỉ có người bồi phòng là có thể vào đây ban đêm để sửa soạn giường ngủ cho bà. Nhưng người bồi phòng dĩ nhiên là không thể làm được chuyện này -Bà Curie còn không giải nổi thì ai có thể làm được? Rồi khi bà nhìn vào nét chữ viết tay ở trên bài giải -đúng là nét chữ của bà. Có thể là không giống một cách hoàn toàn, nhưng đúng là của bà -bà có thể thấy rõ như vậy. Nét chữ viết có vẻ hơi run run, lờ mờ giống như được viết trong cơn say -nhưng đúng là của bà. Nó ở đâu ra vậy?

Bà chợt nhớ lại giấc mơ đêm rồi -bà mơ thấy rằng bà sẽ giải được bài toán này và viết ra lời giải đó. Và rồi bà nhớ lại toàn thể giấc mơ. Như vậy bà Curie đã giải được bài toán hóc búa của mình trong giấc mơ. Bộ óc đã hoàn toàn thất bại. Bộ óc đã không thể tìm ra lời giải. Lời giải đã đến từ cái bụng, từ tâm thức.


Chuyện này cũng giống y như chuyện của Ðức Phật. Trong suốt sáu năm trời Ngài đã làm việc không ngừng, thử đủ mọi phương cách để tìm ra con đường đi đến giác ngộ, và đã thất bại. Cũng chẳng khác gì việc bà Marie Curie đi tìm phương cách để giải bài toán cho chính mình và rồi một đêm Ngài quyết định dẹp bỏ hết mọi chuyện. Ngài tự nghĩ, "Không có con đường nào để đi cả và cũng không có gì sẽ xảy ra thế nên ta nên quên nó đi." Ðêm hôm đó Ngài đi vào một giấc ngủ hoàn toàn thư giản, nhưng cũng chính đêm đó là đêm Ngài đạt thành giác ngộ. Sáng hôm sau khi mở mắt ra, Ngài đã là một con người khác. Một cái gì đó đã xảy ra trong đêm rồi. Từ đâu đến?
(Thiền - Con đường nghịch lý)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét