Thứ Hai, 19 tháng 12, 2016

ĐẠO VỐN KHÔNG LỜI (4)


ĐẠO VỐN KHÔNG LỜI (4)

Osho



John Donne có nói như thế này, "Thượng Ðế ở khắp mọi nơi, là một thiên thần trong một thiên thần, một viên đá trong một viên đá, một cọng rơm trong một cọng rơm."
Trong tánh không này bạn sẽ thâm nhập vào trong tận cùng bản thể của vạn pháp. Xuyên suốt vào bản thể của vạn pháp là một mục tiêu. Nó chỉ được thể hiện khi nào bạn "bất lập văn tự". Rồi thì mọi chuyện diễn ra.

Hãy lắng nghe vài lời thơ của Wordsworth :
Con gà đang gáy
Dòng suối đang chảy
Ðàn chim nhỏ hót líu lo
Ánh sáng lấp lánh trên mặt hồ
Dưới ánh mặt trời, cánh đồng xanh say ngủ.

Mọi chuyện đều như thị. Con gà đang gáy và những cánh đồng xanh ngủ yên trong ánh sáng mặt trời. "Thượng Ðế ở khắp mọi nơi, là một thiên thần trong một thiên thần, một viên đá trong một viên đá, một cọng rơm trong một cọng rơm." Và rồi Thượng Ðế biến đi. Chỉ còn lại sự kính tín. Không còn một đấng trời thần nào cả, mà chỉ còn lại thánh linh, một dòng thánh linh tinh khiết dịu dàng, tràn ngập mọi chiều kích không gian.

Mới hồi đêm rồi tôi đang dọc cuốn nhật ký của Leonardo Da Vinci. Trong cuốn nhật ký này có một câu đập mạnh vào trí tôi: "Trong tất cả những gì lớn lao được tìm ra chung quanh ta, sự hiện hữu của tánh không là vĩ đại nhất." Kokoro.
Sự hiện hữu của tánh không không đến từ lời, từ ngôn ngữ, từ ý niệm, từ tâm hay trí -mochao, mặc chiếu.

Bây giờ chúng ta đi vào câu chuyện ngụ ngôn này.
Một vị Thiền sư đã phẩm bình một cách vắn tắt về một môn đồ ưa lý thuyết dông dài về Thiền học...
Này, chuyện đầu tiên là -Thiền không hề có học thuyết. Thiền không tiếp cận thực tại bằng học thuyết. Nó không có giáo điều, chủ nghĩa -và bởi thế nó không có nhà thờ, linh mục hay giáo hoàng. Thiền rất là trần tục, thực tế; nó không đối diện với những khái niệm trừu tượng. Ðó là một hiện tượng hiếm có. Ðó là môt cuộc hôn phối của hai dòng tinh thần kiệt xuất -một Ấn Ðộ và một Trung quốc. Tinh thần Ấn Ðộ thì rất trừu tượng -ngay cả Ðức Phật. Ngài đã cố gắng hết sức để làm giảm bớt trừu tượng nhưng đâu có thể làm gì khác hơn? Một người Ấn vẫn luôn là một người Ấn.

Tinh thần Ấn Ðộ thì rất là trừu tượng. Nó đề cập đến những chuyện vô cùng lớn lao, đến những học thuyết; xoay quanh những tư tưởng lớn. Nó bay bổng trên mây, chẳng bao giờ hạ cánh xuống mặt đất. Và như thế, hằng bao thế kỷ qua tinh thần Ấn Ðộ đã không biết làm cách nào để đáp xuống mặt đất. Nó cứ đi lên mà chẳng bao giờ biết cách quay trở lại. Nó không có rễ. Nó chỉ có cánh mà không có rễ. Ðó là điều khốn khổ.

Tinh thần Trung Hoa thì thực tế, thực dụng, thực tiễn hơn. Chúng không bay bỗng lên trời quá mức. Ngay cả nếu chúng có lên tới đó thì cũng luôn bám chặt đôi chân trên mặt đất, giữ gốc rễ trên mặt đất. Chúng không bay như chim, mà vươn lên trời như một cái cây. Chúng vẫn giữ gốc rễ trên mặt đất. Lão Tử rất là thực tế, cả Khổng Tử cũng thế.

Khi Bồ Ðề Ðạt Ma đến Trung Quốc mang theo thông điệp vĩ đại của Thiền, đã tạo ra một sự giao lưu tư tưởng lớn, một cuộc đại tổng hợp giữa tinh thần Ấn Ðộ và Trung Quốc. Thiền vì thế không là Trung Quốc mà cũng không là Ấn Ðộ. Nó chứa đựng cả hai truyền thống nhưng đồng thời cũng vượt ra khỏi cả hai.

Thế nên nếu bạn hỏi một tăng sĩ Phật giáo Ấn Ðộ -cũng không nhiều lắm đâu- về Thiền, ông ta sẽ không xem đây là chuyện quan trọng. Ông ta sẽ nói, "Toàn là chuyện nhảm nhí." Bất cứ nơi nào mà truyền thống Phật giáo Ấn Ðộ thịnh hành, Tích Lan, Miến Ðiện, Thái Lan chẳng hạn, không ai nói đến Thiền. Họ cười nữa là khác, cho rằng đó chỉ là chuyện tiếu lâm.
Ngược lại nếu bạn nói chuyện với các Thiền giả Trung hoa hay Nhật Bản về các đại tạng kinh Phật giáo, họ sẽ bảo bạn, "Ðem đốt chúng hết đi ngay lập tức. Tất cả những lý thuyết trừu tượng đều nhảm nhí. Chúng kéo con người ra khỏi thực tại."

Ðối với tôi, Thiền là một tổng hợp vĩ đại nhất -một hiện tượng thăng hoa. Trước tiên nó là hiện sinh mà không là lý thuyết. Nó không nói bất cứ điều gì về chân lý, nó chỉ cho bạn chân lý, như thị. Một cách đơn giản, nó đánh thức bạn dậy. Nó lay bạn cho bạn thức giấc, nó la lên cho bạn thức dậy -nhưng nó không hề đưa ra lý thuyết, nó không cho bạn bất cứ giáo điều, kinh điển nào. Thiền là một tôn giáo duy nhất có khả năng đốt sạch mọi kinh điển, và là một tôn giáo duy nhất có khả năng hủy diệt tất cả những gì được gọi là lý tưởng, thần tượng.
Một vị Thiền sư đã phẩm bình một cách vắn tắt về một môn sinh ưa lý thuyết dông dài về Thiền học...

Thiền không hề có học thuyết. Ðây là điều độc nhất vô nhị về Thiền. Cái khoảnh khắc mà bạn bắt đầu nói về lý thuyết Thiền học, Thiền không còn là Thiền nữa. Ðó là học thuyết chứ không phải Thiền. Thiền và học thuyết không thể sống chung với nhau. Học thuyết thì rất hạn chế; trong khi đó Thiền là một thân chứng, một kinh nghiệm tâm linh vô giới hạn. Thiền chẳng khác gì lòng yêu thương -bạn không thể nào định nghĩa được.

Vị Thiền sư nói,
"Bạn có quá nhiều Thiền"
Ðây là một câu nói rất hay ho. Khi ông ta nói rằng, "Bạn có quá nhiều Thiền," có nghĩa là ông ta muốn nói rằng, "Bạn không có chút Thiền nào trong người cả." Ðó là cách nói của vị Thiền sư. Thay vì nói, "Bạn chẳng có tí gì Thiền cả" -thì ông nói ngược lại, "Bạn có quá nhiều Thiền". Làm sao mà bạn lại có quá nhiều Thiền được? Chỉ có hay không mà thôi và đây là cách nói cho thấy rằng bạn chẳng có tí Thiền nào cả. "Bạn có quá nhiều Thiền" có nghĩa là "Bạn thu thập rất nhiều học thuyết. Bạn biết quá nhiều về Thiền. Và có thể là bạn chẳng hề ngó ngàng đến nó."
"Thế nhưng có gì là trái tự nhiên khi một Thiền sinh nói chuyện về Thiền?" người học trò bối rối hỏi thầy.

Ta bước qua vấn đề thứ hai... Trước tiên, Thiền không hề có học thuyết, thứ hai, không hề có chuyện bất cứ ai đó được gọi là thiền sinh. Không thể có chuyện như vậy. Người học trò luôn luôn chạy đi tìm học thuyết. Người học trò luôn muốn trở thành người có kiến thức. Họ chạy đi tìm con rắn chứ đâu có đi kiếm Thiền sư? Họ chạy đi tìm thầy giáo. Họ chạy đến các trường đại học, các học viện.

Thiền không hề có học trò. Thiền không có học thuyết nên không thể có học trò, và không thể có giáo sư. Vâng nó có những Thiền sư và những môn đồ. Nhưng nên nhớ rằng một vị Thiền sư không phải là một người thầy giáo. Công việc của vị Thiền sư hoàn toàn trái ngược với công việc của một người thầy giáo. Người thầy giáo dạy bạn, bắt bạn phải học đủ thứ chuyện -vị Thiền sư thì giúp bạn giải trừ những điều đã học. Thiền sư vì thế là thuốc giải độc đối với giáo sư. Trong tự điển, có thể ý nghĩa của hai tiếng này giống nhau, nhưng bạn nhớ cho, trong thế giới của Thiền, chúng không hề có cùng chung một ý nghĩa.

Tôi là một đạo sư chứ không phải là một thầy giáo và những ai thật sự đến đây không phải là những học trò mà là những môn đồ. Thế thì sự khác nhau giữa một người học trò và môn đồ là gì? Người học trò luôn luôn muốn biết thật nhiều, muốn nắm giữ thật nhiều. Họ muốn trở thành một nhà học giả. Họ khao khát thèm muốn trái Cây Hiểu Biết. Người học trò muốn ăn càng nhiều trái táo trên cái cây này càng tốt. Họ đang thực hiện chuyến viễn du của bản ngã -ham học hỏi, tò mò, nhưng không hề sẵn sàng để chuyển hóa.

Môn đồ là một hiện tượng khác biệt. Người môn đồ không hề khao khát kiến thức. Y muốn thấy chứ không muốn biết. Y muốn thực sự hiện hữu. Y không còn thích thú trong việc tích lũy kiến thức, y muốn sống thật phong phú. Mà muốn có thêm chất liệu sống y phải giải trừ tất cả mọi kiến thức, và y đã sẵn sàng. Y sẵn sàng để hy sinh tất cả mọi thứ. Hướng đi của y vì thế hoàn toàn khác biệt.

Người môn đồ, khác với người học trò ở chỗ, y không phải là kẻ tích luỹ. Dĩ nhiên khi bạn tích lũy, bạn sẽ tích lũy ở đâu nếu không phải là trong ký ức? Và như thế, không phải trong ý thức mà là trong tâm của người học trò, ký ức ngày càng mãi chồng chất thêm. Trong khi đó, trong tâm của kẻ môn đồ ký ức mỗi ngày càng nhạt nhòa đi. Y không còn phải mang theo gánh nặng chồng chất của quá khứ. Y chỉ biết đến những gì thiết yếu nhất. Kiến thức của y chỉ còn tồn đọng những gì có lợi. Thế nhưng trong lúc đó ý thức của y bắt đầu tăng trưởng. Toàn bộ năng lượng của y được chuyển từ ký ức sang ý thức.

Ðã có một sự khác biệt khá lớn lao giữa một người học trò và một môn đồ. Người học trò luôn luôn muốn biết về một cái gì đó -tất cả nỗ lực của y là để làm sao suy nghĩ tốt hơn. Kẻ môn đồ thực sự chỉ muốn hiện hữu -tất cả nỗ lực của y chỉ là để hiện hữu như thế nào, làm sao để trở về lại mái nhà xưa, để đạt đến đôi mắt thơ dại cũ, như được tái sanh trở lại một lần nữa trên cõi đời này. Ðó là tất cả những gì mà Chúa Giê Su muốn nói trong câu, "Trừ phi ngươi được tái sanh trở lại."

Chúa đang đi tìm môn đồ. Và ngài đang nói câu này với Nicodemus, "Trừ phi ngươi được tái sanh trở lại, ngươi sẽ chẳng bao giờ hiểu được ta và sẽ chẳng có khả năng vào được nước Trời"...

Có thể bạn đã không biết được rằng người đàn ông kia không ai khác hơn là Nicodemus, một vị giáo sư, và trong nỗ lực tìm kiếm kiến thức ông ta đã tìm đến gặp Chúa. Nicodemus là một mục sư Do thái giáo có tiếng tăm. Ông ta là thành viên trong ban quản trị của ngôi đền thờ lớn nhất tại Jerusalem. Ông ta không dám đến tìm gặp Chúa vào ban ngày vì ông ta sợ mọi người cười chê -một bậc thông thái như thế kia, một vị giáo sư lừng danh trên khắp cả nước, lại đi tìm đến thỉnh giáo một kẻ vô danh tiểu tốt, một anh chàng híp-py!

Vâng Chúa Giê Su đã là hình ảnh của một chàng híp-py lặn lội giữa những kẻ khó, những người thất học, làm thân với những gái điếm, với đủ mọi hạng người, sống chung cùng những thành phần hèn kém trong xã hội. Ðó là một anh chàng thanh niên trông có vẻ khùng khùng. Chứ còn gì nữa! Anh ta toàn nói những chuyện đâu đâu may ra chỉ có những người loạn thần kinh hay ông Phật mới nói đến. Vâng, bất cứ lúc nào có vấn đề cần phải đi đến quyết định cho rằng một người nào đó là một vị Phật hay là kẻ loạn thần kinh, bạn sẽ cho rằng y là kẻ loạn thần kinh -bởi vì nếu cho đó là một vị Phật thì lại đụng đến cái bản ngã của bạn. Thế nên người đời biết đến Chúa Giê su như là một kẻ loạn trí, hơi khùng, lập dị, và lại đang tụ tập một nhóm người nguy hiểm chung quanh.

Nicodemus đã không thể đến tìm gặp Chúa giữa thanh thiên bạch nhật; thế nên đợi đến lúc nữa đêm ông ta mới tìm đến và mang theo câu hỏi. Ông ta hỏi, "Nưóc Trời là cái gì mà ngài cứ đi rao giảng mãi như thế? Cái gì vậy? Tôi muốn được biết thêm về nó". "Biết về nó?"-xin lỗi. "Trừ phi ngươi được tái sanh trở lại, ngươi sẽ chẳng bao giờ biết được nó là cái gì." Chúa Giê Su trả lời. Bây giờ thì quả là chuyện quá sức đối với Nicodemus. Tái sanh trở lại? Phải trả giá lớn lao như thế ư? Chết và tái sanh trở lại. Xem chừng như quá nhiều!


Như thế đó, một người học trò sẵn sàng chỉ để cò kè từng đồng xu; còn một môn đồ thì thường trả giá với cả đời mình. Một người học trò thì luôn mang theo câu hỏi; còn môn đồ... đó không phải là câu hỏi. Không có một danh từ nào trong Anh ngữ để diễn tả chính xác khái niệm này. Phạn ngữ gọi đó là mumuksha. Ðặt vấn đề, nêu câu hỏi được gọi bằng một danh từ khác -jigyasa, có nghĩa là một người muốn biết thêm nữa. Còn mumuksha là người muốn được sống phong phú hơn. Người muốn được giải phóng mình ra khỏi tất cả những hệ lụy trói buộc. Người không còn muốn bị giam hảm vào bất cứ vòng nô lệ nào -của truyền thống, của kinh điển, của xã hội, của quốc gia. Sẽ không còn bất cứ loại nô lệ nào; họ muốn tự do, hoàn toàn tự do. Sự nổi loạn đó, sự đòi hỏi khẩn thiết để được giải phóng hoàn toàn đó, được gọi là mumuksha. Trong tiếng Anh không có từ nào để dịch chữ này. Ta có thể gọi đó là lòng ham muốn được trở thành người không còn ham muốn, lòng ham muốn được hoàn toàn tự do và ngay cả lòng ham muốn này cũng không còn tồn tại nữa.
(Thiền - Con đường nghịch lý)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét