ĐẠO VỐN KHÔNG LỜI (3)
Osho
Sự kỳ diệu
là hương vị của tịch tĩnh. Cái tâm của ngưòi thời nay đã mất hết khả năng ngạc
nhiên. Do kiến thức, nó đã mất hết mọi khả năng để nhìn vào những điều bí ẩn,
những phép lạ, vì nó nghĩ là nó biết hết mọi chuyện. Cái khoảnh khắc mà bạn
nghĩ rằng mình biết, nỗi ngạc nhiên không còn dấy lên. Cái khoảnh khắc mà bạn mất
dần kiến thức, sự kỳ diệu trở lại, bắt đầu thâm nhập bạn. Hãy lắng nghe. Nếu bạn
nghĩ rằng bạn hiểu biết cái cây này, bạn sẽ không còn thấy được cái kỳ diệu của
nó.
Ðó là lý do
mà bạn không hề cảm thấy sững sờ trước vợ bạn, trước vẻ đẹp của nàng. Bạn cứ tưởng
là bạn biết nàng. Nếu nàng là vợ của kẻ khác thì may ra còn thu hút, hấp dẫn bạn.
Nhưng đây là vợ bạn, và bạn nghĩ là bạn biết nàng, biết quá rõ là khác. Thật ra
không phải như vậy - bởi vì mỗi con người là một điều bí ẩn hoàn toàn không
cách gì hiểu được. Bạn không thể hiểu được người đàn bà này chỉ vì bạn là chồng
của người đó, bạn cũng không thể biết được người đàn ông kia vì bạn là vợ của
anh ta.
Bạn có thể sống
chung với nhau hằng ba chục năm trời nhưng vẫn không hề hiểu về nhau. Các bạn vẫn
chỉ là những người khách lạ. Bởi vì tất cả chúng ta đều là những bí ẩn, không
cách gì có thể làm quen được, mỗi khoảnh khắc đều không thể tiên đoán được.
Thỉnh thoảng
bạn thể nghiệm được chuyện đó. Bạn sống với một người đàn bà hơn mười năm, bỗng
dưng một hôm bạn thấy nàng nổi cơn thịnh nộ, và bạn không bao giờ ngờ rằng nàng
có thể giận dữ đến như thế. Trong mười năm bạn đã nhìn kỹ nàng và nàng thì luôn
luôn dịu dàng, đáng yêu, nhân ái biết bao, thế mà bỗng dưng hôm nay nàng lại nổi
giận lên như thế, giận đến độ muốn giết luôn cả bạn. Khó mà lường trước được.
Thế mà bạn cứ tưởng là mọi sự đã ổn định, đã bắt đầu cho là một chuyện đương
nhiên, và nghĩ rằng bạn rất hiểu nàng. Không có ai hiểu ai cả. Nàng không hề hiểu
bạn và bạn cũng không hề hiểu nàng.
Vâng, có thể
là bạn đã sanh ra một đứa con. Nó đã nằm trong bào thai hơn chín tháng, nhưng bạn
không biết gì về nó. Khi đứa trẻ ra đời, như những đứa trẻ khác, bạn cũng khó
mà tiên liệu nó như thế nào. Chúng ta chỉ là những kẻ lạ mặt.
Cả toàn thể
hiện hữu này cũng thế. Những cành cây chung quanh đây... Bạn trông thấy nó hàng
ngày nhưng trong từng giây, từng phút qua đi thật ra bạn đã không trông thấy gì
cả bởi vì bây giờ bạn nghĩ rằng bạn đã biết nó -trọng điểm là gì ? Hãy làm ơn lắng
nghe tôi đi. Hãy nhìn chúng trở lại một lần nữa và rồi bạn sẽ ngạc nhiên. Không
có cái gì gọi là đã biết. Kiến thức chẳng mang lại gì cả. Kiến thức chỉ là sự dốt
nát hoàn toàn. Cuộc sống vẫn là những bí ẩn. Vâng, ta có thể vẫn vui sống, nhảy
múa, hát ca, chúc tụng cuộc đời -ta có thể làm như vậy. Nhưng hiểu được nó,
không bao giờ.
Tất cả những
bậc đạo sư lớn của thế giới này đều cho rằng không có cái gọi là kiến thức. Nó
không hề hiện hữu trong bản chất của vạn pháp. Và tất cả những điều mà bạn nghĩ
rằng mình biết thật ra chỉ là chuyện bình thường -những điều giả huyễn của bạn.
Và rồi chính cái điều giả huyễn này đã trở thành gánh nặng không còn cho bạn những
ngạc nhiên khám phá trước cuộc đời. Một đứa trẻ ngạc nhiên thích thú là vì nó
chưa hề biết gì. Một khi nó bắt đầu làm quen -học địa lý, học sử ký và tất cả
những điều nhảm nhí khác- thế là nó nghĩ rằng mình là người hiểu biết. Từ đó,
những đóa hoa không còn thơm mùi hương nguyên thủy nữa, những cánh bướm không
còn hấp dẫn y như trước đây. Và rồi nó không còn chạy nhảy nhặt vỏ sò trên bải
biển. Người ta nói rằng nó đã trưởng thành.
Thực ra nó
đã ngừng lớn khôn. Thực ra nó đã chết. Cái ngày mà bạn nghĩ rằng mình hiểu biết,
cũng là ngày mà bạn khai tử chính mình -bởi lẽ từ đây bạn sẽ không còn ngạc nhiên,
vui sống, thích thú trước cuộc đời. Bạn đang sống trong nỗi chết. Và như vậy,
bây giờ bạn có thể chui vào huyệt mộ được rồi, đâu có gì mất mát hay nuối tiếc.
Bởi vì bạn sống mà không còn chút ngạc nhiên trước cuộc đời thì sống để làm gì
? Tự tử đi là hơn. Quả thật đúng như vậy. Chúng ta đang tự sát. Cái ngày mà bạn
nghĩ rằng mình hiểu biết, bạn đang thực hiện một cuộc tự sát.
Với mặc chiếu
-mo chao- một lần nữa bạn lại trở thành trẻ con, bạn lại nhìn đời bằng đôi mắt
tuyệt vời của tuổi thơ -ngây thơ, hồn nhiên, trong trắng.
Như vậy, hãy
nhớ kỹ rằng, tịch tĩnh hay tĩnh lặng không phải là sự điềm tĩnh hay thanh thản.
Nó bao hàm sự vượt qua cả lời hay cả ý để hiển lộ một trạng thái siêu việt,
chan hoà an lạc. Nó không phải là một cái tâm vắng lặng mà là một vắng lặng tự
thân. Nó cũng không phải là một nỗ lực để đưa vào kỷ cương. Nó không có gì để
thực hành, mà chỉ cần được thông cảm, yêu thương. Bạn phải vui đùa với nó thay
vì tìm phương cách giải quyết. Không hề có bất cứ một nỗ lực tinh thần nào ở
đây. Vâng, đó là tất cả những gì được gọi là thiền định -vắng bóng nỗ lực tinh
thần. Tâm đi vào trạng thái vô niệm, tâm đi vào trạng thái tịch tĩnh.
Nó không có
một chút hơi hướng nào của hoạt động tinh thần, đây là sự tỉnh giác trong tịch
lặng của tánh không. Người Nhật đã có một danh từ khá tuyệt cho trạng thái này:
họ gọi là kokoro. Kokoro có nghĩa là tánh không tuyệt đối, là không có gì cả,
là trống rỗng hoàn toàn -nhưng không phải là tiêu cực. Tánh không cho ta cảm
giác một cái gì đó bị phủ định. Không. Tất cả những gì là rác rưởi đều phải bị
phủ định, chắc chắn và hiển nhiên như thế, nhưng một khi bạn phủ định tất cả những
gì là rác rưởi, thì phần bản tánh thẳm sâu nhất ở trong bạn lại được khẳng định.
Ðó là phần tích cực nhất.
Khi chiếc hồ
không còn những gợn sóng lăn tăn bạn có thể nói rằng không có gì trên mặt hồ.
Tuyệt đối không có gì lưu lại, nổi lên ở trên đó. Nhưng đây không phải là một
thể trạng tiêu cực. Thực ra trong sự yên lắng hoàn toàn này, chiếc hồ bây giờ
đã tự khẳng định chính mình. Bản tánh của nó đã được thể hiện rõ ràng qua mặt hồ,
từ lâu vốn bị những luồng sóng, những gợn lăn tăn che khuất. Bây giờ thì nó được
hiện bày ra. Không ồn ào, hoàn toàn trong yên lắng. Nó không cần phải kêu lên,
"Tôi đây này" -cái "Tôi" đã không còn hiện hữu nữa.
Cái
"Tôi" này chẳng là gì cả ngoài những náo động của bạn kết hợp lại.
Khi những náo động này biến mất, khi cái tâm, cái trí không còn, bỗng nhiên lần
đầu tiên bạn trở lại là mình -đúng vậy, bạn chưa bao giờ là bạn cả. Trong lối sống
cũ đó, bạn không hề là bạn; bây giờ con người cũ đó chết đi, bạn được tái sanh
trở lại. Đây là lần thơ ấu thứ hai trong đời.
Thiền sư
Suigan, sau mùa an cư kiết hạ tuyên bố, "Ta đã nói khá nhiều trong suốt
mùa hè này, đủ mọi thứ chuyện Đông Tây kim cổ, với chư huynh đệ. Xem thử coi
lông mày của ta có tiếp tục dài thêm chút nào không?"
"Chúng
dài đẹp lắm đó, bạch Thầy", một đệ tử trả lời.
"Kẻ nào
phạm tội trộm cắp, tâm hồn họ sẽ không bao giờ thoải mái," một người khác
nói.
Và người thứ
ba, chẳng nói gì cả, chỉ buột miệng, "Kong!"
"Kong"
chỉ là một lời thốt ra hoàn toàn vô nghĩa. Nó cũng chẳng biểu trưng cái gì, chỉ
là một âm thanh.
Vi Thiền sư
đang nói... Đây là chuyện khôi hài, nếu không nói là điều nghịch lý -ngay cả một
vị Thiền sư cũng phải nói. Ông ta nói về chuyện giải trừ ngôn ngữ thế nhưng ông
ta vẫn còn phải sử dụng đến ngôn ngữ.
Chẳng khác gì bạn đang
lâm bệnh vì một loại độc dược và chúng ta bào chế thuốc men bằng một loại độc
dược khác để chữa trị bệnh này. Tất cả mọi loại thuốc men đều được chế biến từ
chất độc. Ðó là cách dùng độc trị độc.
Chân của bạn
đang đạp phải một cái gai, chúng ta chạy đi kiếm một cái gai khác để lể nó ra.
Dùng gai lể gai là như thế. Vâng, chuyện khôi hài là ngay cả một vị Thiền sư
cũng phải nói luôn mồm. Phật cũng đã nói liên tục trong suốt bốn mươi hai năm,
buổi sáng, buổi chiều, buổi tối -và lúc bán thời. Và Ngài chỉ nói có một chuyện
-đó là: đừng nói gì nữa, hãy yên lặng, "Đạo vốn không lời".
Bây giờ thì
vị Thiền sư này, cái ông Suigan đó, đã phải nói trong suốt mấy tháng, và kết
thúc mùa an cư bằng câu, "Ta đã nói khá nhiều trong suốt mùa hè này, đủ mọi
thứ chuyện Đông Tây kim cổ, với chư huynh đệ. Xem thử coi lông mày của ta có tiếp
tục dài thêm chút nào không?" Ý ông ấy muốn nói, "Này nhìn xem, ta
đang sống hay đã chết đây. Nói nhiều như thế chắc là ta chết mất rồi, có thể ta
không còn lớn dậy nữa".
Người đệ tử
thứ nhất trả lời, "Chúng dài đẹp lắm đó, bạch Thầy". Y nói rất đúng,
một trăm phần trăm đúng. Y có thể nhìn thấu suốt vào vị Thầy mình. Những lời mà
ông nói ra không hề khuấy động sự tịch tĩnh của ông, không hề biến ông trở
thành cái xác chết khô cằn -mạch đời của ông vẫn tuôn chảy như tự bao giờ.
Chúng không hề là những chướng ngại. Như vậy bạn chỉ được quyền nói khi nào mà
lời sẽ không hủy diệt sự tịch tĩnh trong bạn. Khi sự tịch tĩnh này không bị đụng
chạm bởi lời, bạn có thể nói. Những lời nói của bạn lúc này sẽ là một ân sủng
cho trần gian. Bạn sẽ giúp cho biết bao người thoát ra khỏi sự trói buộc của
ngôn từ. Lời nói của bạn lúc này sẽ biến thành một thần dược.
Thế nhưng nếu lời
nói làm khuấy động sự tịch lặng của bạn, nghĩa là trong khi nói bạn bị tách lìa
ra khỏi phần thẳm sâu nhất của sự tịch tĩnh trong bạn, mặc chiếu, thì lời nói sẽ
chỉ là những phù phiếm, vô ích. Lúc này tốt nhất là bạn nên chữa trị
cho mình trước đã. "Người thầy thuốc tự chữa trị cho chính mình".
Khoan nghĩ đến chuyện chữa trị cho ai khác. Bạn sẽ gây nguy hại cho họ thay vì
chữa lành cho họ.
Người đệ tử
thứ nhất trả lời, "Chúng dài đẹp lắm đó, bạch Thầy. Tôi có thể nhìn thấy
được sự an nhiên tự tại đó".
Người đệ tử
thứ hai nói, "Kẻ nào phạm tội trộm cắp, tâm hồn họ sẽ không bao giờ thoải
mái." Người này xem ra khá hơn ngưòi trước. Ðiều y muốn nói là, "Thầy
ạ, mặc dầu Thầy đã vượt ra ngoài chuyện trộm cắp, nhưng nếu Thầy phạm phải, Thầy
vẫn cảm thấy tội lỗi như thường. Chúng con biết là lời nói không còn khuấy động
đến Thầy, thế nhưng lời nói vẫn còn là một mối phiền toái làm Thầy không thoải
mái. Con có thể nhận thấy điều đó."
Tôi có thể
hiểu được những suy nghĩ của người học trò thứ hai. Vâng, nói chuyện với các bạn
tôi không được thoải mái, vì có một điều hết sức nguy hiểm là bạn có thể đã
không lắng nghe những gì tôi đang nói, không lắng nghe những điều mà tôi muốn
nói và rồi bạn cũng sẽ bắt đầu nói như tôi. Nguy hiểm nằm ở chỗ đó. Thế là tôi
đang phạm một lỗi lầm. Tôi đã phải phạm tội bởi vì không còn một cách thế nào
khác để giúp đỡ bạn. Phải chấp nhận sự rủi ro thôi.
Người đệ tử
thứ hai như thế đã đi sâu thêm một bậc. Nên nhớ rằng nếu người đệ tử thứ nhất
đúng một trăm phần trăm thì người đệ tử thứ hai đúng đến hai trăm phần trăm. Y
nói, "Kẻ nào phạm tội trộm cắp, tâm hồn họ sẽ không bao giờ thoải mái. Tôi
có thể nhận thấy điều đó."
Nhưng người
thứ ba thì có thể nói là đúng đến ba trăm phần trăm. Người đệ tử thứ ba không
nói gì cả, y chỉ thốt ra một tiếng đơn giản "Kong!" Giống như bạn kêu
lên "hu!" Bởi vì nói ra bất cứ điều gì cũng đều là vô nghĩa. Y chỉ buột
ra một âm thanh. Và điều y muốn nói là, "Bất cứ những gì mà Thầy đã và
đang nói ra chỉ là những thanh âm rỗng tuếch, Thầy ạ! Không có gì phải lo lắng.
Bất cứ những gì mà Thầy đã và đang nói chẳng khác gì nhả ra một luồng hơi nóng,
giống như tiếng 'Kong!' của con thôi. Vâng, nó cũng có thể hữu ích khi ta cần
đánh thức một người nào đó mà không cần phải mang một ý nghĩa gì cả. Nếu một
người nào đó đang ngủ ngon và bạn la lớn vào tai y "Kong!", y sẽ mở mắt
thôi, chỉ có thế. Như vậy là xong việc. Và cái tiếng 'Kong!" này không cần
phải có ý nghĩa gì cả."
Ðúng như vậy,
tất cả những gì mà vị Thiền sư thốt ra đều chỉ là một tiếng "Kong!"
Nó không mang một ý nghĩa nào, nó không chuyên chở bất cứ triết lý trong đó.
Ðây chỉ là những tiếng kêu để đánh thức bạn dậy. Người đệ tử thứ ba như thế là
đã hoàn toàn hiểu được Thầy mình. Y ở chung trong cùng một không gian và tần số
với vị Thiền sư.
Nhưng tiếng
"Kong!" này từ đâu mà đến? Nó đến từ kokoro, tánh không. Một khi bạn ở
trong tánh không này, tất cả đều khả dĩ. Cái tánh không này rất hiệu năng, rất
tích cực, cái tánh không này chính là Thượng Ðế. Phật giáo không gọi đó là Thượng
Ðế, bởi vì dùng từ Thượng Ðế có vẻ như bị hạn chế rất nhiều. Họ gọi là tánh
không -kokoro, shunyata. Trong tánh không này bạn sẽ thấy Thượng Ðế có mặt khắp
nơi. Cái tánh không này phủ đầy vạn hữu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét