ĐẠO VỐN KHÔNG LỜI (2)
Osho
Bạn đã từng
biết nó. Thế nên đó là lý do tại sao mà chúng ta luôn luôn có một cảm giác
thoáng qua về cực lạc. Có khi chúng ta biết nó là cái gì nhưng mà rất khó dùng
ngôn từ để diễn tả. Chúng ta đang tìm kiếm nó. Chúng ta đang mò mẫm trong bóng
tối để hướng về một cái gì đó gọi là cực lạc. Nếu trước đây bạn chưa hề biết
nó, tại sao bây giờ bạn lại tiếp tục mò mẫm kiếm tìm? Chắc chắn là bạn đã có lần
biết nó. Bây giờ có thể bạn đã quên đi, đúng vậy, nhưng bởi vì bạn đã từng biết
qua thế nên trong tận cùng sâu thẳm của tiềm thức, trong ngỏ ngách sâu kín của
tâm hồn, bạn vẫn mang theo với bạn giấc mơ cùng nỗi nhớ nhà.
Trường hợp
này cũng giống y như vậy. Bạn đã từng biết Thượng Ðế. Bạn đã từng sống như là một
Thượng Ðế. Khi bạn còn là một đứa trẻ, bạn sống hồn nhiên không bản ngã -trước
khi tiếp xúc với con rắn lần đầu tiên. Bạn đã từng được biết qua, ngày đó đôi mắt
của bạn hoàn toàn trong sáng, và tất cả mọi thứ đều trong suốt, bạn có thể nhìn
xuyên qua không có gì ngăn ngại. Bạn đã từng sống như là một Thượng Ðế, từng biết
qua cực lạc là gì nhưng nay bạn đã quên đi. Thế nhưng trong tận cùng tiềm thức
nó vẫn không ngừng nhắc nhở bạn -"Hãy đi tìm. Hãy tìm nữa."
Từ đó bạn
tìm kiếm Thượng Ðế, bạn tìm kiếm thiền định, bạn tìm kiếm yêu thương, bạn tìm
kiếm tất cả những gì có thể tìm kiếm được. Có lúc bạn đi đúng hướng, có lúc bạn
lạc đường, thế nhưng bạn vẫn tiếp tục đi tìm kiếm cái mà bạn biết đã có lần ở
đó và bây giờ không còn nữa. Ðến cái ngày mà bạn biết được Thượng Ðế là gì, cái
ngày mà bạn thân chứng được điều này, bạn sẽ bật cười sảng khoái : "Ðây là
Thượng Ðế sao? Ta đã từng biết rồi mà. Ta có thể nhận ra được." Ðó là cách
mà con người đã nhận ra Thượng Ðế như thế nào, bằng không làm sao họ có thể nhận
ra được? Nếu một ngày nào đó bạn đi ngang qua tôi, và nếu bạn không biết tôi
trước, làm sao bạn có thể nhận ra tôi?
Con người đã
từng nhận biết nó. Khoảnh khắc mà Ðức Phật đạt đến giác ngộ, Ngài có thể nhận
ra ngay lập tức, "Vâng, nó đây rồi". Khi Bồ Ðề Ðạt Ma đạt đến khoảnh
khắc đó, Ngài cả cười, "Nó đây mà? Trong tuổi ấu thơ của ta, nó đã từng ở
đó. Nhưng rồi nó đã bị hủy diệt, nó đã bị nhiễm độc. Bụi bặm đã quẳng vào mắt
ta và sự trong sáng không còn nữa. Bây giờ thì đôi mắt ta đã phục hồi chức năng
trở lại và ta có thể trông thấy nó."
Thượng Ðế hiện
hữu như thế. Bạn chính là Thượng Ðế mà không hay, vị Thượng Ðế đang ngủ quên
chưa ai đánh thức dậy.
Thêm một chi
tiết chung quanh câu chuyện trong Kinh Thánh. Chuyện kể rằng Thượng Ðế đã trục
xuất Adam ra khỏi Vườn Ðịa Ðàng. Ðiều này không đúng. Thượng Ðế không thể trục
xuất bất cứ ai. Thượng Ðế không hề có quyền lực trong lãnh vực này. Thượng Ðế
trục xuất người ta đi đâu? Làm ơn cho tôi biết. Chỗ nào? Ở đâu cũng là vườn của
Ngài. Bất cứ bạn ở chỗ nào chỗ đó vẫn là vườn của Ngài. Từ đầu này cho đến đầu
kia, đâu đâu cũng là Vườn Ðịa Ðàng Eden. Không cách gì có thể trục xuất được.
Vương quốc của Thượng Ðế là vô tận. Làm thế nào mà Ngài có thể trục xuất bạn được?
Trục xuất bạn đi đâu bây giờ? Ðâu có chỗ nào khác? Thế giới của Ngài là duy nhất,
đâu còn thế giới nào khác. Thế nên Adam không hề bị trục xuất bởi lẽ không có
chỗ nào để trục xuất.
Thứ hai, Thượng
Ðế không thể trục xuất bởi vì Adam cũng chính là Thượng Ðế. Adam là một phần của
Thượng Ðế. Làm thế nào bạn có thể trục xuất một phần thân thể của chính mình?
Tôi không thể nào trục xuất tay của tôi hay chân của tôi. Không thể nào. Trục
xuất Adam cũng chẳng khác gì Thượng Ðế tự làm cho mình trở nên tàn tật. Không hề
có chuyện như vậy, Ngài không thể nào làm như thế; Ngài không phải là kẻ bạo
dâm nên không thể nào tự cắt xẻo mình ra thành từng bộ phận. Thượng Ðế rất nhân
từ. Và như thế, Adam không thể nào bị trục xuất.
Như vậy thì
chuyện gì đã xảy ra? Anh chàng Adam chắc chắn thế nào cũng cảm thấy buồn ngủ.
Ăn trái Cây Hiểu Biết xong là y sẽ chìm vào cơn buồn ngủ thôi. Bây giờ y sẽ
không còn nhìn thẳng vào thực tại nữa mà bắt đầu mơ mộng về nó. Bây giờ thì y
có những ý tưởng riêng, ý niệm riêng, thị kiến riêng của mình. Bây giờ thì y trở
thành nhà chế tạo, và tha hồ sáng chế. Thay vì nhìn thực tại với nguyên dạng, y
lại sáng chế ra. Y sử dụng thực tại nguyên dạng như là cái màn ảnh để phóng chiếu
cái thế giới ngôn ngữ ý niệm của riêng mình.
Ðó là lý do
tại sao Bồ Ðề Ðạt Ma tuyên bố, "Bất lập văn tự". Và nếu bạn đã lập
thì hãy nên tháo rời, buông bỏ. Ðây là một trong những thông điệp căn bản nhất
của Thiền. Tiếng Trung hoa gọi tình trạng này là 'mo chao' -mặc chiếu- khi bạn
không còn dùng đến ngôn ngữ văn tự. Mo -mặc- có nghĩa là yên tĩnh, yên lặng và
'chao' có nghĩa là chiếu. Từ chiếu (reflection) này không mang cái ý nghĩa như
ta hiểu thông thường trong Anh ngữ, tức không phải là quán chiếu. Ý nghĩa thực
sự của nó bao hàm sự phản chiếu với phẩm chất của một tấm gương. Mặt hồ đang
yên lặng -không một gợn sóng lăn tăn. Nó phản chiếu một cách hoàn toàn, như
trong đêm trăng rằm, vầng trăng được phản chiếu trọn vẹn trên mặt hồ.
Bạn đã từng
trông thấy chưa? Cái vầng trăng được phản chiếu trên mặt hồ còn đẹp tuyệt vời
hơn cả vầng trăng trên bầu trời kia nữa. Có một cái gì đó đã được điểm xuyết
vào -phải chăng là cái quang cảnh thanh vắng, tĩnh lặng, mát mẽ của chiếc hồ?
Và cả cái tấm gương trong xinh xắn kia. Khi Thượng Ðế phản chiếu vào bạn, vào
cái tình trạng mặc chiếu đó, Thượng Ðế cũng trở nên xinh đẹp rực rỡ bội phần. Một
chất liệu gì đó đã được bỏ thêm vào.
Thế rồi bạn
suy nghĩ, cũng có nghĩa là lúc bạn làm cho mặt hồ sóng gợn. Chiếc hồ nay ở
trong tình trạng xáo động. Bạn không còn ở trong tình trạng phản chiếu. Bạn ở
trong tình trạng phá hủy thực tại. Mặt trăng sẽ không còn phản chiếu nguyên dạng
nữa, nó bị hủy diệt bởi những gợn sóng do bạn gây ra. Nếu đó là những lượng
sóng lớn, tầm mức hủy diệt lại càng lớn hơn. Thế là chẳng những bạn không thêm
được gì vào nét đẹp của vầng trăng mà ngược lại bạn tước đoạt hoàn toàn nét
xinh xắn đó. Và rồi sự thật bị bóp méo. Trăng không còn là trăng mà là một cái
gì đó rất xa lạ, không đúng với sự thật. Hoàn toàn không đúng.
Tình trạng mặc
chiếu này được diễn tả trong một bài thơ nổi tiếng của Thiền Sư Hung Chin :
Khi bỏ quên
mọi ngôn từ chìm khuất vào lặng yên, tĩnh mịch ;
Thực tại xuất
hiện trước mặt ta sống động rõ ràng.
Nó bao la vô
bờ khi ta thực chứng ;
Trong Bản thể
của nó, ta trở nên tỉnh thức.
Tuệ giác
sáng ngời được phản chiếu
Ðầy kỳ diệu
là sự phản chiếu thuần khiết này...
Giọt sương
và vầng trăng,
Những ngôi
sao và những dòng suối
Tuyết bám
trên những cành thông
Những đám
mây lửng lơ trên đầu núi-
Từ bóng tối,
tất cả bừng lên trong ráng hồng rực rỡ ;
Từ tối tăm,
tất cả nhuộm trong ánh sáng lộng lẫy chan hòa.
Nỗi ngạc
nhiên vô tận thấm vào sự tĩnh lặng này ;
Trong phản
chiếu này mọi nỗ lực cố ý đều biến mất.
Tĩnh lặng là
lời nói cuối cùng của mọi lời giáo huấn.
Chân lý của
mặc chiếu
Là viên mãn
và viên thành.
Hãy nhìn xem
! Trăm nhánh sông đang xuôi chảy
Tuôn trào
thành những dòng thác
Xuôi về đại
dương !
Thiền được đặt
cơ sở trên mặc chiếu -mochao. Cần phải hiểu rõ điều này. Nhưng khi nói tịch
tĩnh không có nghĩa là một sự vắng lặng cưỡng chế. Bạn có thể ép cho tâm của bạn
trở nên vắng lặng nhưng điều này chẳng giúp ích gì nhiều cho bạn cả. Ðó là điều
mà nhiều người nghĩ rằng các Thiền giả trên thế giới này đang làm. Họ đã bức ép
tâm một cách hung bạo. Họ đã tấn công tâm của họ một cách quyết liệt. Nếu bạn cứ
tiếp tục theo kiểu này thì bạn có thể đạt đến cái điểm mà tâm của bạn -vì quá mệt
mỏi- đã phải nhượng bộ. Tuy nhiên đây chỉ là bề mặt thôi, trong tận cùng tiềm
thức của bạn vẫn không ngừng xáo động. Ðây chỉ là một tĩnh lặng giả hiệu, hoàn
toàn không có thật.
Sự tịch tĩnh
không thể được mang đến bằng ý chí -không bao giờ. Cũng không thể mang đến bằng
nghị lực. Nó chỉ đến bằng hiểu biết cảm thông, không phải bằng quyết tâm, ý
chí. Thế nên đừng bao giờ nghĩ đến việc thay thế cảm thông bằng ý chí -mặc dù
đây là một cám dỗ lớn.
Sự cám dỗ
luôn luôn có mặt, bởi vì làm bất cứ chuyện gì đó thông qua ý chí, hay dùng sức
mạnh coi bộ vẫn dễ dàng hơn ; bằng cảm thông và thương yêu thì lại vô cùng khó
khăn và hình như phải mất cả nghìn năm mới đạt đến. Thế nên thông thường người
đời vẫn thường có thói quen tìm con đường tắt.
Nhưng khốn nổi,
đời sống tâm linh không thể tiến bộ bằng những con đường tắt. Không hề có chuyện
như thế và sẽ không bao giờ có chuyện như thế. Bạn đừng bao giờ để mình trở
thành nạn nhân của những con đường tắt. Sự tịch lặng cần phải được vun quén,
không thể bằng cưỡng chế. Nó phải được đến từ tận cùng cốt lõi sâu thẳm của bạn,
từ cảm thông.
Thế nên hãy
cố gắng để hiểu ngôn ngữ đã làm gì cho bạn, cố gắng để hiểu ngôn ngữ đã hủy diệt
trong bạn những gì, cố gắng để hiểu rằng những kiến thức của bạn không phải là
hiểu biết. Nhìn thẳng vào nó. Canh chừng nó. Lưu tâm đến nó trong mọi trạng huống
-để thấy rằng nó đã kéo bạn xa rời thực tại như thế nào.
Khi bạn đi
ngang qua một đoá hồng và ngay cái khoảnh khắc mà bạn vừa trông thấy nó, lập tức
ngôn ngữ nhảy vào và rồi tâm của bạn thốt lên, «Một đoá hồng tuyệt đẹp.» Thế là
bạn đã hủy diệt mất một cái gì đó. Bây giờ thì không còn cả cái tuyệt đẹp lẫn
bông hồng -lời nói đã chen vào. Ðừng bao giờ để cho lời nói xen vào từng mỗi một
kinh nghiệm sống của bạn.
Thỉnh thoảng bạn cứ ở đó cùng với cái bông hồng mà
không cần phải buột miệng ra, « Ðoá hồng ». Không cần thiết như vậy. Ðóa hồng
không hề có tên, những danh hiệu đều do con người gán cho chúng. Danh không phải
là thực. Thế nên nếu bạn cứ mãi bám víu vào danh, bạn sẽ xa rời thực tại. Cái
tên chợt đập vào đôi mắt bạn và rồi từ đó bạn phóng chiếu ra một cái gì khác -tất
cả những bông hồng trong quá khứ.
Khi bạn nói
rằng, đây là một đóa hồng, bạn đang làm cái công việc phân loại nó mà thực ra
không một đoá hồng nào có thể được xếp loại bởi vì tất cả hoa hồng đều thống nhất
và mang bản sắc cá biệt khó mà xếp loại. Như vậy, đừng xếp hạng, đừng cho vào từng
ngăn kéo, đừng bỏ nó vào hộp. Hãy thưởng thức vẻ đẹp của nó đi. Hãy thưởng thức
màu sắc, thưởng thức vũ điệu của nó. Hãy đứng đó. Không nói một lời. Chỉ nhìn
ngắm. Mặc chiếu -mochao- để sự vật tự nó phản chiếu trong tịch lặng. Bạn trở
thành một tấm gương. Nếu bạn trở thành một tấm gương, bạn đã trở thành một hành
giả hành Thiền. Thiền định không gì khác hơn là kỹ thuật soi bóng mình. Bây giờ
không còn một ngôn từ nào thâm nhập vào nội tâm, bạn không còn bị kéo đi lạc hướng.
Lời nói liên
hệ với nhau, nối kết với nhau. Lời này dẫn đến lời khác, rồi lời khác nữa và rồi
càng ngày nó càng dẫn bạn đi xa hơn. Cái khoảnh khắc bạn nói rằng, « Ðây là một
đóa hồng tuyệt đẹp, » lập tức bạn nhớ ngay đến người bạn gái có thói quen yêu
thích hoa hồng, và rồi bạn nhớ lại những gì đã xảy đến với cuộc tình cùng người
bạn gái năm nào -mối tình thơ mộng, tuần trăng mật, và rồi những bất hạnh xảy đến,
và tiếp theo là đổ vỡ, ly dị... đại loại như thế.
Và đóa hồng
này -hầu như bạn đã quên bẵng nó đi. Ðóa hồng này không còn ở đó nữa. Ngôn ngữ,
văn tự đã lôi kéo bạn đi vào một cuộc viễn du mới. Một từ dẫn đến một từ khác;
những liên kết không ngừng tiếp diễn. Tất cả những từ đều kết nối nhau, gắn liền
nhau trong một mối quan hệ sâu xa. Hãy bắt đầu bằng một từ và rồi bạn chờ xem,
nó sẽ bắt đầu nhảy lung tung.
Bạn nói «
Con chó » chẳng hạn, một từ rất bình thường, nhưng rồi chỉ một giây sau đó bạn
lập tức bị cuốn theo bởi từ này. Bạn nhớ lại con chó đã làm bạn kinh hoàng lúc
nhỏ -con chó của người hàng xóm. Nó đã làm bạn hoảng sợ biết bao mỗi lần bạn đi
học về, bây giờ nhớ lại chuyện này, trái tim của bạn như đập mạnh hơn, mối lo sợ
như chớm bùng dậy. Con chó này vẫn còn chỗ đứng trong trí tưởng bạn. Con chó này
dẫn bạn nghĩ lan man đến người láng giềng, và cứ thế, chuyện nọ dẫn đến chuyện
kia.
Một chuyện dẫn
đến một ngàn lẻ một chuyện khác và xem chừng như không bao giờ chấm dứt. Vâng,
tất cả bắt đầu bằng Ngôi Lời -Kinh Thánh quả nói rất đúng. Tất cả đều được bắt
đầu bằng lời. Thế gian được khởi đầu bằng lời. Khi bạn quên lời, cái thế giới
đó biến mất. Bạn thể nhập vào Thượng Ðế. Và rồi đứa con đi hoang, đứa con bị trục
xuất kia nay lại trở về nhà. Nó đã và đang sống trong tỉnh thức.
Thế nên đừng
bao giờ phải gượng ép để đạt đến tĩnh lặng. Ðó là lý do tại sao tôi cứ mãi lập
lại ở đây là đừng nên gượng ép -thay vì cứ việc nhảy múa, hát ca. Cứ để cho những
hoạt động tự nhiên của bạn tuôn trào. Cứ để cho tâm của bạn rong chơi đây đó,
cho đến một lúc nào tự nó cảm thấy thấm mệt. Cứ việc nhảy rồi thở rồi chạy bộ rồi
đi bơi, đến một lúc nào đó thân tâm của bạn mệt mỏi, đó là lúc bạn ngồi xuống
yên lặng và lắng nghe.
Từng khoảnh
khắc tịch tĩnh cực kỳ vi tế sẽ bắt đầu thấm vào hồn bạn. Từng giọt một. Có một
danh từ chuyên môn của nhà Phật để gọi cái này... Ðó là sát na tỉnh thức,
'chitta-kshana' -một khoảnh khắc của tỉnh thức. Những sát na tỉnh thức, những
khoảnh khắc vi tế của ý thức này, bắt đầu nổi lên ở trong bạn. Chúng đến cách
quảng. Khi một niệm vừa diệt, niệm kia chưa kịp dấy lên, giữa hai khoảnh khắc
này bỗng dưng một khoảng trống xuất hiện -đó là một cách quảng, một kẻ hở. Từ
đây bạn có thể nhìn xuyên suốt thực tại, vô cùng sáng tỏ. Bạn nhìn trở lại bằng
đôi mắt hồn nhiên của tuổi thơ mà bạn đã hoàn toàn đánh mất. Thế giới một lần nữa
lại rực rỡ muôn màu, phiêu bồng, sống động, kỳ diệu vô cùng.
Ðó là điều
mà Thiền sư Hung Chin đã nói...
Đầy kỳ diệu
là sự mặc chiếu thuần khiết này...
Nỗi ngạc
nhiên vô tận đó đã chan hoà vào sự tịch lặng.
(Con đường nghịch lý)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét