Trống rỗng
Thầy có biết tôi là ai không?
Không, chẳng biết chút
nào. Bởi vì bạn không hiện hữu. Bạn là cái trống rỗng - anatta. Trên bề mặt bạn
có thể là ai đó, nhưng tôi không quan tâm tới bề mặt của bạn. Trong cốt lõi sâu
nhất, bạn đơn giản là không ai cả, thậm chí không là không ai cả - mà là sự
không ai cả. Làm sao tôi có thể biết bạn được?
Và đó là cái đẹp, bởi vì nếu tôi
có thể biết được bạn thì tôi đã xác định ra bạn, tôi đã làm cho bạn bị giới hạn
bởi tri thức của tôi. Nếu bạn có thể được biết, thì ngay lập tức bạn trở thành
một vật, bạn không còn là tâm thức nữa. Nếu bạn có thể được biết thì bạn không
thể là vô hạn được. Làm sao tôi có thể biết được bạn? Ngay cả bản thân bạn cũng
không thể biết được. Không tồn tại cái gì giống như việc biết về cái ngã. Khi bạn
đi tới nhận ra nó, nó là việc biết về vô ngã. Khi bạn đi tới lắng đọng với nó,
bỗng nhiên bạn trở nên nhận biết rằng người biết và cái được biết đã biến mất -
chỉ có cái trống rỗng, không gian bao la, vô thuỷ, vô chung - cái vô hạn. Đó là
điều bạn thực sự là gì - làm sao điều đó có thể được biết?
Không có khả năng nào cho tri thức.
Và cũng tốt là bạn không thể được biết, bằng không thì khoa học sẽ biết bạn, và
một khi bị biết tới thì bạn là một vật, một thứ đồ. Thế thì bí ẩn bị mất. Đó là
lí do tại sao tôi cứ nói đi nói lại rằng khoa học sẽ không bao giờ có khả năng
biết được cốt lõi bên trong nhất của hiện hữu, bởi vì cốt lõi bên trong nhất là
không hiện hữu. Bạn chỉ giống như củ hành - cứ bóc mãi các tầng ra. Cứ bóc mãi
các lớp vỏ ra, lớp vỏ mới tới, lớp nọ tiếp lớp kia, lớp nọ tiếp lớp kia, và thế
rồi bỗng nhiên toàn bộ củ hành đi tiêu: cái trống rỗng trong tay. Đó là bạn.
Nhưng cái trống rỗng này là không
tiêu cực, cho nên đừng hiểu lầm tôi. Chính từ "cái trống rỗng" có vẻ
như thiếu vắng cái gì đó. Không, nó không phải vậy. Nó là sự hiện diện của cái
gì đó vô hạn. Nó không phải là thiếu vắng, nó không phải là tiêu cực, nó không
giống như bóng tối; nó là hiện tượng tích cực. Bạn là cái vô ngã. Cái tích cực
này phải được ghi nhớ bởi vì từ "trống rỗng" có thể cho bạn khái niệm
sai về nó, bạn có thể nghĩ nó là sự trống rỗng đơn giản. Tôi không nói có sự
thiếu vắng cái gì đó - không. Nó là tính trống rỗng, nó là chính cái trống rỗng,
nó là bản thân cái trống rỗng. Cái trống rỗng được dùng như một từ tích cực;
khi nó là tích cực thì nó hoàn toàn khác.
Bạn đã biết cái trống rỗng chỉ
theo cách tiêu cực. Bạn đi vào trong phòng, không có đồ đạc và bạn nói căn
phòng trống rỗng, không có gì. Bạn đi ra và nếu tôi hỏi bạn, bạn thấy gì trong
phòng, thì bạn sẽ nói nó là trống rỗng - không đồ đạc, không tranh ảnh trên tường,
chẳng có gì - rỗng tuếch. Bạn đã đi vào trong phòng nhưng bạn đã chỉ thấy phần
tiêu cực. Căn phòng đầy sự rộng rãi, căn phòng có nghĩa là không gian. Cái gì
đó có thể được đem vào bởi vì có chỗ, có sự trống rỗng. Đồ đạc có thể được đem
vào - có không gian. Bạn đã không thấy nó theo cách đó. Bằng không thì bạn sẽ tới
và bảo tôi rằng căn phòng là đầy; không có cái gì, chỉ cái trống rỗng là tồn tại,
căn phòng sẵn sàng đón nhận bất kì cái gì - nó có không gian. Thế thì bạn đã
nhìn vào cái trống rỗng tích cực.
Nhìn lên bầu trời. Bầu trời là cái
trống rỗng tích cực khi không có mây. Nếu bạn nhìn lên trời như việc thiếu vắng
mây thế thì bạn đang nhìn vào nó từ quan điểm tiêu cực. Nếu bạn nhìn nó như sự
hiện diện của không gian, của cái trống rỗng mầu xanh, và từ cái trống rỗng mầu
xanh đó mọi thứ đã nảy sinh, thế thì nó không thể nào tiêu cực được. Nó là cái
tích cực nhất trên thế giới này, chính nền tảng của sự hiện hữu. Mọi thứ đều tới
từ nó và mọi thứ dần dần đi lại vào trong nó. Bạn được sinh ra từ nó và bạn sẽ
chết đi trong nó.
Làm sao tôi có thể biết bạn được?
Tri thức sẽ trở thành định nghĩa còn bạn là không thể định nghĩa được. Không
tôi không biết bạn. Tôi không biết bản thân mình.
Tôi muốn kể cho bạn một giai thoại.
Chuyện xảy ra, và tôi thích nó, và tôi đã kể nó biết bao nhiêu lần, nhưng bất
kì khi nào tôi nhớ tới nó thì nó mới mẻ thế và tươi tắn thế.
Bồ đề đạt ma tới Trung quốc - con
người đem sự trống rỗng của Phật trong tay mình. Bồ đề đạt ma mang tinh hoa Phật
giáo sang Trung quốc, để cho hiện tượng vĩ đại nhất xảy ra tại đó. Bởi qua Bồ đề
đạt ma, toàn bộ quan điểm của Lão Tử - cách sống của Lão Tử - và chứng ngộ của
Phật đã gặp gỡ, và một trong những điều đẹp đẽ nhất đã được sinh ra. Không có
gì giống điều đó tồn tại ở bất kì đâu trên thế giới - đó là Thiền. Thiền là sự
gặp gỡ, sự đan chéo giữa Phật và Lão Tử. Bồ đề đạt ma là bà đỡ, người mang hạt
mầm tới bụng mẹ của Lão Tử.
Khi ông ấy tới Trung Quốc, ông ấy
đã là một nhà huyền môn rất nổi tiếng, tên tuổi ông ấy đã vang lừng khắp phương
Đông. Khi ông ấy tới Trung Quốc, đích thân hoàng đế ra đón ông ấy tại biên giới.
Hoàng đế hỏi vài câu hỏi. Hoàng đế hỏi, "Ta đã làm nhiều chùa chiền Phật
giáo. Ta có được công đức nào không? "
Nếu như hoàng đế nói cũng điều đó
cho bất kì sư Phật giáo bình thường nào khác, người đó sẽ đáp lại, "Tâu
hoàng thượng, bệ hạ đã được công đức vô lượng - cõi trời của bệ hạ là tuyệt đối
chắc chắn, đảm bảo." Nhưng hoàng đế đã hỏi sai người. Bồ đề đạt ma nói,
"Công đức sao? Chẳng có gì cả! Ngược lại, ông tích luỹ nhiều tội đấy."
Hoàng đế sửng sốt, ông ta không thể
nào tin nổi vào điều đó. Ông ta nói, "Sao vậy? Ông nói cái gì vậy? Ta đã
làm nhiều chùa chiền Phật. Ta đã cho ấn tống và phân phát lời của Phật cho hàng
triệu người. Mọi ngày ta đều nuôi hàng nghìn sư Phật giáo và ông nói ta tích luỹ
tội sao? Ông muốn nói gì?"
Bồ đề đạt ma nói, "Chính ý tưởng
là ông đã tích luỹ công đức là tội lỗi, nó chính là bản ngã. Địa ngục của ông
là chắc chắn, thưa hoàng thượng. Ông sẽ sa xuống tầng thứ bẩy địa ngục - tầng
thứ nhất thì chưa thấu."
Hoàng đế không thể nào tin được
vào điều đó. Ông ta cảm thấy chút ít giận dữ nữa. Và ông ta nói, "Ta có một
câu hỏi để hỏi đây. Bên trong ta là cái gì? Ta là cái gì?" - cùng câu hỏi
mà bạn đã hỏi: "Thầy có biết tôi là ai không?"
Bồ đề đạt ma nói, "Sự trống rỗng
bao la, cái không."
Bây giờ hoàng đế mới thực sự giận
dữ. Trong cơn giận ông ta hỏi Bồ đề đạt ma, "Thế thì ông là ai? Ai đang đứng
trước ta đây?"
Bồ đề đạt ma nói, "Ta không
biết, thưa bệ hạ."
Tôi không biết. Làm sao bạn có thể
biết được cái trống rỗng? Bạn có thể là nó, nhưng bạn không thể biết nó. Việc
biết nghĩa là bạn tách biệt khỏi nó, việc biết cần khoảng cách. Làm sao bạn có
thể biết tới bản thân mình? Nếu bạn biết thế thì bạn bị phân chia thành hai,
người biết và cái được biết. Và tất nhiên cái được biết không bao giờ có thể là
bạn được, chỉ người biết, cho nên bất kì cái gì bạn biết cũng không bao giờ là
bản thân bạn, người biết. Và người biết là không thể rút gọn được, nó không thể
được làm thành cái được biết. Làm sao bạn có thể đặt bản thân mình ra trước bản
thân mình được? Bạn không thể làm được, điều đó là không thể được. Và nếu bạn
có thể làm được thế thì nó là cái gì đó khác ở trước bạn, không phải là bạn. Bạn
bao giờ cũng ở sau - người biết. Bao giờ cũng là người biết, chưa bao giờ là
cái được biết.
Tôi không biết bản thân mình... và
đây là việc biết về cái ta. Nó có vẻ mâu thuẫn, nghịch lí, nhưng đây là cách nó
hiện hữu. Chẳng điều gì có thể được làm về nó cả, đây là bản chất của mọi vật.
Đó là lí do tại sao người biết về cái ta sẽ không bao giờ công bố rằng mình biết.
Bởi vì ai sẽ công bố? Người đó trở nên giống như người dốt nát. Người đó nói,
"Tôi chỉ biết rằng tôi không biết."
Đi vào nội tâm đi. Một ngày nào đó
bạn sẽ đi tới cái trống rỗng này, cái trục của bánh xe. Cái trục là trống rỗng
nhưng nó giữ cho cả bánh xe trong nó; cái trục là trống rỗng nhưng không có trục
thì bánh xe sẽ biến mất, nó sẽ tan thành từng mảnh. Bạn chỉ biết mỗi bánh xe -
đó là cá tính của bạn cho tới nay, nama-rupa của bạn, danh sắc của bạn; cái
bánh xe của bạn mà bạn đã biết. Bạn càng đi vào sâu bên trong thì một ngày nào
đó bạn sẽ đi tới cái trục: đó là anatta, vô ngã, cái trống rỗng. Nhưng nhớ: nó
không là tiêu cực theo nghĩa trống rỗng cái gì đó. Nó là bản thân cái trống rỗng.
Nó là cái tích cực nhất trong sự tồn tại. Nó là bản thân sự tồn tại. Người
Hindus đã gọi nó là sat-chit-anand: sat - đó là sự hiện hữu; chit - đó là nhận
biết; anand - đó là phúc lạc. Nhớ lấy, nó không là hạnh phúc; bằng không thì nó
sẽ không trống rỗng. Nó là phúc lạc, không hạnh phúc. Bạn sẽ không được tràn đầy
với phúc lạc, bạn sẽ bất ngờ thấy mình là phúc lạc.
Trống rỗng có bản chất của phúc lạc,
có bản chất của sự tồn tại, có bản chất của tâm thức. Không phải là tâm thức
rót đầy nó: nó không giống như ngọn đèn cháy sáng trong phòng cho nên ánh sáng
rót đầy căn phòng. Bạn có thể tắt đèn đi và ánh sáng ra đi; bạn không thể tắt
tâm thức đi được. Nó là chính bản chất của cái trống rỗng bên trong đó - không
phải là nó rót đầy cái trống rỗng. Bạn không thể phá huỷ được nó. Làm sao bạn
có thể phá huỷ được cái trống rỗng? Bạn có thể phá huỷ mọi thứ trên thế giới; bạn
không thể phá huỷ được cái trống rỗng. Đó là lí do tại sao bạn không thể bị sát
hại, bạn không thể bị giết. Không có khả năng nào, bởi vì bạn không hiện hữu.
Lưỡi kiếm có thể giết chết bánh xe, nhưng cái trục thì sao? - cái trục sẽ vẫn
còn không bị động tới. Nó không thể bị phá huỷ; nó không có đó ngay chỗ đầu
tiên.
Sự hiện hữu là bản chất của cái trống
rỗng bên trong; tâm thức là bản chất của cái trống rỗng bên trong; phúc lạc là
bản chất của cái trống rỗng bên trong. Đó là nỗi sợ mà mọi người cảm thấy khi họ
đi vào trong thiền. Khi họ đi vào trong thiền họ trở nên sợ hãi, họ bắt đầu run
rẩy. Run rẩy bên trong sâu sắc nảy sinh. Lo lắng và phiền não sâu sắc nảy sinh.
Tại sao nó phải như thế? Bạn đang đi tới gần trạng thái sung sướng hơn, gần tới
tâm thức tỉnh táo, nhận biết hơn, gần với sự tồn tại hơn. Tại sao bạn kinh
hoàng đến chết? Bạn kinh hoàng bởi vì bạn không biết cách để là trống rỗng. Bạn
chỉ biết cách được rót đầy, bạn không biết cách để là trống rỗng. Bạn không biết
cách chết, cách làm chết đi cá tính, cách để vẫn còn trong sự trống rỗng bên
trong. Bạn không biết. Khi bạn đi vào nội tâm và ý nghĩ bắt đầu rơi rụng khỏi bạn,
bỗng nhiên nỗi sợ nắm quyền sở hữu. Bạn đang đi đâu? Bạn cảm thấy mình đang biến
mất, bạn cảm thấy giống như mình đang chết. Một loại không tồn tại nắm lấy bạn
- cứ dường như bạn đang đứng cạnh vực thẳm và bạn nhìn xuống và nó không đáy.
Và bạn bắt đầu run rẩy, mồ hôi túa ra từ mọi lỗ chân lông trên thân thể. Bạn
đang đương đầu với cái chết.
Nếu bạn chạy trốn từ điểm này, bạn
sẽ không bao giờ có khả năng thiền nữa. Do đó thầy là cần tới. Khi bạn bắt đầu
thấy sợ, thầy có thể khuyên nhủ bạn đừng sợ, thầy có thể giúp bạn: "Nhìn
vào ta đây. Ta đã trải qua điều này vậy mà ta vẫn đây. Ta đã trở thành cái trống
rỗng vậy mà ta vẫn đây." Ai đó được cần tới để bạn có thể nhìn vào người
đó, nhìn vào mắt người đó bạn có thể có thoáng nhìn về cùng cái trống rỗng mà bạn
đang tới bên trong chính mình. Và vậy mà bạn có thể thấy rằng người đó vẫn hiện
hữu, và người đó là toàn bộ và tuyệt đối. Cho nên đừng sợ. Sự hiện hữu của người
đó cho bạn dũng cảm, sự hiện diện của người đó cho bạn dũng cảm. Trong thực tế
thầy không làm gì cả. Thầy là tác nhân xúc tác, chỉ sự hiện diện của thầy là đủ.
Một khi bạn rơi vào trong cái trống rỗng đó thì bạn sẽ bắt đầu cười và bạn sẽ
nói, "Không có cái chết. Mình đã sợ hãi không cần thiết, cái sợ vô căn cứ."
Trải qua cái chết bạn trở thành bất tử.
Nhiều nhất điều này tôi có thể nói
với bạn: bạn là vô ngã. Trở thành vô ngã đi. Và vô ngã không là trống rỗng theo
bất kì nghĩa tiêu cực nào, nó là cái tích cực lớn lao nhất.
Osho - Đạo: Ba Kho Báu - Tập 1 - Chương
4.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét