GIẢI THOÁT NẰM
GIỮA
HAI TƯ TƯỞNG
Giải thoát hay Tánh Không thì không chỗ nào không có, nên bất cứ ở đâu
chúng ta cũng có thể gặp nó. Tánh không, vô tự tánh của cái tôi và tất cả sự
vật thì có thể tìm thấy nơi sự vật cũng như chính nơi tâm thức này. Bởi vì tánh
không là bản tánh của sự vật và của tâm thức.
Trong bài này, chúng ta tìm hiểu và thể nghiệm tánh không nơi tâm thức hiện có của chúng ta, nơi không có tư tưởng và nơi đang có tư tưởng. Tánh không nằm giữa hai tư tưởng thường được nói đến trong hai truyền thống phật giáo Tây Tạng và Trung Hoa, mà Thiền tông, Đại Toàn Thiện (Dzogchen), và Đại Ấn (Mahamudra) là những đại diện tiêu biểu.
TƯ TƯỞNG LÀ GÌ, TẠI SAO CÓ TƯ TƯỞNG ?
Tư tưởng, hay niệm, sanh khởi khi một chủ thể tâm thức gặp một đối tượng của nó. Đối tượng đó là đang gặp, hoặc đã gặp, hoặc sẽ gặp.Không có một chủ thể là một cái tôi thì không có tư tưởng . không có một đối tượng cho cái tôi ấy thì cũng không có tư tưởng. Không bao giờ có một chủ thể mà không có đối tượng và cũng không bao giờ có một đối tượng mà không có chủ thể. Chủ thể và đối tượng duyên sanh lẫn nhau và trong môi trường duyên sanh ấy, tư tưởng xuất hiện. tư tưởng duyên sanh từ chủ thể và đối tượng là hai cái duyên sanh căn bản, cho nên tư tưởng là duyên sanh của duyên sanh.
Giữa hai tư tưởng, khoảng trống không có tư tưởng ấy, không có một duyên sanh nào cả, không có một chủ thể cái tôi nào cả,không có một đối tượng nào cả. trong khoảng trống không giữa hai tư tưởng không có sự tương tục của một cái tôi hay một cái ở ngoài tôi. Sự tương tục của chấp ngã và chấp pháp tạm thời bị cắt đứt. Chính đây là trạng thái vô ngã, vô pháp. Chính đây là trạng thái tánh không, mà ở nơi tâm thức thì gọi là tâm không. Chính đây là cánh cửa mở vào không gian giải thoát.
Kéo dài khoảng cách giữa hai tư tưởng và nhìn sâu vào đó, chúng ta thấy đó là một trạng thái vắng bặt cái tôi và những sự vật, vắng bặt chấp ngã và chấp pháp, mọi thứ đều bị cắt đứt, đều được xa lìa (viễn ly), chúng ta bắt đầu cảm nghiệm trạng thái giải thoát là gì ? Chúng ta bắt đầu thấy ra bản tánh của tâm thức. Bản tánh của tâm thức là tánh không.
Thiền là làm quen với trạng thái đó, và khi ở lâu được trong trạng thái đó, nỗ lực nhìn vào bản tánh của tâm thức trong trạng thái đó,những che chướng của chấp ngã chấp pháp dần dần mỏng, rơi rụng, cho đến khi người ta trực tiếp thấy tánh không hay pháp thân nằm giữa hai tư tưởng.
Nói theo kinh Kim cương, giữa hai tư tưởng là cái tâm không chỗ trụ, không có ngã, không có nhân, không có chúng sanh, không có thọ mạng. Đây là sự giải thoát.
Giữa hai tư tưởng, thật sự là trạng thái không tư tưởng, trạng thái vô niệm, cũng như giữa hai đám mây là bầu trời.
Guru Rinpoche Padmasambhava (Tự Giải Thoát Qua Cái Thấy Trần Trụi )
Nguyễn Thế Đăng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét