SỨC MẠNH CỦA TĨNH LẶNG
Nguyên tác: STILLNESS SPEAKS
Tác giả: Eckhart Tolle
Dịch giả: Diện Mục Nguyễn Văn Hạnh
LỜI GIỚI THIỆU
Tôi rất thích tựa sách “STILLNESS SPEAKS” mà Eckhart Tolle đặt cho tác phẩm thứ hai này của ông. Nhưng phải mất một thời gian khá lâu tôi mới tìm ra được một cụm từ thích đáng – “Sức Mạnh của Tĩnh Lặng” – để dùng làm tựa tiếng Việt cho cuốn sách này. Hay nói đúng hơn, là tựa sách đã đến từ một nơi rất Tĩnh Lặng ở bên trong mà chắc chắn không phải bằng suy tư của tôi.
Lúc đọc xong chương đầu tiên, tôi cảm thấy như vừa được đọc một bài kinh văn thâm diệu và linh cảm được năng lực chuyển hóa kỳ diệu của cuốn sách. Qua cuốn Sức Mạnh của Tĩnh Lặng, Eckhart Tolle giúp chúng ta tìm lại được bản chất sâu lắng, trong sáng và chân thật của mình. Dù cho có những biến động đang xảy ra chung quanh, hay những tình huống thử thách trong đời sống cá nhân hiện nay của chúng ta như thế nào đi nữa, chúng ta vẫn luôn có khả năng tiếp xúc được với một chiều không gian yên tĩnh, và sâu lắng ở bên trong.
Phẩm chất đời sống của chúng ta tùy thuộc vào phẩm chất của những quan hệ trong đời mình. Tùy thuộc vào quan hệ của bạn với gia đình và những người thân. Tùy thuộc vào quan hệ của bạn với người bạn đời. Tùy thuộc vào quan hệ của bạn với đời sống. Nói một cách khác, bạn có một quan hệ tốt đẹp với mọi người và với cuộc đời? Do đó, Sức Mạnh của Tĩnh Lặng sẽ giúp bạn khả năng rũ bỏ những thói quen xưa cũ, tiêu cực; giúp bạn thay đổi cách sống, cách suy nghĩ và cư xử với bạn bè cùng những người thân trong gia đình một cách tốt đẹp hơn. Không những thế, Sức Mạnh của Tĩnh Lặng còn giúp bạn nhìn sâu vào những câu hỏi lớn hơn:
- Tôi là ai? Ý nghĩa của Đời sống là gì?
- Tại sao tôi có mặt trên cuộc đời này?
- Mục đích tối hậu của đời sống là gì?
Tất cả những câu hỏi đó, dù lớn, dù nhỏ, đều rất quan trọng đối với chúng ta. Và một khi bạn đã hỏi thì sẽ luôn được Im Lắng trả lời, khi bạn đã sẵn sàng lắng nghe. Chỉ cần giữ cho lòng mình trong lắng. Khi có mặt, bạn có thể nghe những hồi âm, lời giải đáp đến với bạn qua tiếng gió, tiếng mưa, tiếng thì thầm của biển cả… Chỉ cần bạn biết lắng nghe. Hãy sống và thực hành những gì mà Im Lắng đã nhắc nhủ cho ta.
DIỆN MỤC NGUYỄN VĂN HẠNH (*)
(*) Diện Mục Nguyễn Văn Hạnh: Giám đốc và là người sáng lập Trung Tâm Khám Phá Chính Mình (Virginia, Hoa Kỳ).
Website: www.center4selfdiscovery.org/ttkpcm.html
Email: hanhnguyen@center4selfdiscovery.org
VỀ TÁC GIẢ ECKHART TOLLE
Eckhart Tolle sinh năm 1948 ở Đức. Sau khi tốt nghiệp Đại học Luân Đôn, ông trở thành một nhà nghiên cứu tại Đại học Cambridge. Năm hai mươi chín tuổi, một sự chuyển hóa tâm linh sâu sắc đã làm thay đổi hoàn toàn những gì ông từng nghĩ về chính mình và hướng đi của đời ông.
Từ đó ông đã dành hết tâm sức để tìm hiểu, vận dụng và đào sâu thêm vào sự chuyển hóa này, đánh dấu một bước khởi đầu cho hành trình kiên trì đi vào nội tâm.
Điều đặc biệt là Eckhart Tolle đã không nhấn mạnh đến một truyền thống hay tôn giáo nào. Trong những bài thuyết giảng trên khắp thế giới, ông chỉ muốn truyền đạt một thông điệp rất giản dị, nhưng sâu sắc, và bất tử của các bậc giác ngộ từ xa xưa rằng: Có một con đường thoát khổ và một phương pháp thực tập để tìm lại được niềm an lạc có sẵn trong mỗi người.
Ông cư ngụ tại Vancouver, Canada từ năm 1996 đến nay. Độc giả quan tâm có thể tìm hiểu thêm về Eckhart Tolle qua website: www.eckharttolle.com
LỜI TỰA CỦA TÁC GIẢ
Một bậc thầy tâm linh chân chính không có bất cứ điều gì để dạy cho học trò của mình – theo cách hiểu thông thường của từ này; không có gì để trao truyền, như thêm cho bạn một dữ liệu mới, một tín điều, hay một cách cư xử… nào đó. Nhiệm vụ duy nhất của một bậc thầy tâm linh chân chính chỉ là giúp cho bạn cảm thấy rằng đã đến lúc mình có thể vứt hết đi những gì đang ngăn cách bạn với bản chất của bạn – những gì chân thật mà bạn vẫn luôn biết về chính mình, trong tận đáy chiều sâu của sự Hiện Hữu của bạn. Một bậc thầy chân chính có mặt chỉ để làm hiển lộ một chiều không gian sâu lắng, có sẵn ở trong bạn. Chiều không gian sâu thẳm đó cũng chính là niềm an bình nội tại luôn có mặt ở trong bạn.
Khi bạn tìm tới một vị thầy tâm linh – hay với cuốn sách này – với mục đích chỉ để tìm một sự kích thích trong suy tư, lý thuyết, để bổ sung thêm một số tín điều mà bạn đã có sẵn, hay chỉ để có thêm tiêu đề cho những cuộc phiếm đàm vô bổ về mặt kiến thức,… thì có lẽ bạn sẽ thất vọng ngay. Nói một cách khác, nếu bạn chỉ muốn tìm thêm đề tài để suy tư, bạn sẽ không tìm được điều gì hữu ích trong cuốn sách này, và chắc chắn bạn sẽ đánh mất cái tinh túy của những giáo lý được đề cập ở đây, đánh mất tinh hoa của cuốn sách – những thứ không nằm trong giới hạn của ngôn từ mà tôi đang sử dụng.Những tinh hoa ấy vốn đang có mặt ở trong bạn. Đây là điều mà bạn cần ghi nhớ, và cảm nhận, khi bạn đọc những dòng chữ này. Ngôn từ chỉ là những tấm bảng chỉ đường, không hơn không kém. Còn những gì cần được chỉ ra, bạn sẽ không thể tìm thấy trong thế giới của suy tư mà chỉ tìm được trong một chiều không gian sâu lắng bên trong bạn, ở một mức độ sâu sắc và chắc chắn là rộng lớn hơn chiều không gian cạn cợt của những suy tư. Sự yên tĩnh rất sống động, và sung mãn là đặc tính của chiều không gian này, do đó khi nào bạn đang cảm thấy một sự yên tĩnh dâng tràn lên ở nội tâm lúc đọc những dòng chữ trong cuốn sách này, thì đó là lúc hiệu năng của cuốn sách đang tác động lên bạn và đang thỏa mãn chức năng của nó – như một vị thầy tâm linh: Cuốn sách này đang nhắc bạn nhớ lại bản chất chân thật của mình và đang soi đường cho bạn trở về với nguồn cội của mình.
Đây không phải là một cuốn sách mà bạn có thể đọc ngấu nghiến một mạch từ đầu đến cuối, rồi cất lên kệ sách… cho bụi đóng. Hãy sống với nó. Nhiều độc giả có thể cảm nhận một cách tự nhiên trong khi đang đọc, là khi nào họ nên ngừng lại, đặt cuốn sách xuống sau mỗi đoạn văn, thở và lắng yên để chiêm nghiệm những gì họ vừa đọc. Thói quen dừng lại ở mỗi đoạn văn là một điều rất hữu ích và quan trọng cho bạn, tốt hơn là cố tiếp tục đọc cho qua, cho xong. Hãy cho phép những gì tôi nêu lên trong cuốn sách được thấm vào bạn, giúp bạn tỉnh thức để bước ra khỏi thói quen suy nghĩ, tư duy lâu ngày, đã thành những rãnh mòn ở trong bạn.
Hình thức của cuốn sách này có thể xem như là một sự phục hưng, trong thời hiện đại, của một thể loại dùng để ghi chép những giáo lý cổ điển: Đó là lối viết ngắn gọn như kinh văn (sutra) thời xưa ở Ấn Độ. Kinh văn là những bảng chỉ đường đầy năng lực về chân lý qua một thể văn ngắn gọn như là thể văn viết trong cách ngôn, hoặc như một câu văn ngắn, với rất ít lời giải thích. Kinh Vệ Đà (Vedas) và Áo Nghĩa Thư (Upanishads) là hai bộ sách sớm nhất về giáo lý thiêng liêng của Ấn Độ giáo được ghi theo lối kinh văn, tương tự những kinh văn ghi lại lời dạy của Đức Phật sau này. Những lời giáo huấn và những câu chuyện dụ ngôn của Chúa Jesus cũng thế – khi ta lấy những lời dạy của Ngài ra khỏi lối văn kể chuyện, những lời dạy đó cũng có thể được xem là những kinh văn. Tương tự, thể loại kinh văn đã được Lão Tử dùng để ghi lại những giáo lý thâm thúy chứa đựng ở trong Đạo Đức Kinh. Ưu điểm của kinh văn là sự ngắn gọn, nhưng súc tích. Vì nó cố ýkhông khơi dậy thói quen suy tư không-có-chủ-đích của trí năng ta những khi không cần thiết. Nhưng những gì kinh văn không nhắc đến – nhưng đã chỉ thẳng ra – còn quan trọng hơn là những gì kinh văn đề cập đến. Tính chất gần với kinh văn của những gì được viết trong cuốn sách này được ghi rõ ở Chương 1 (“Sự Yên Tĩnh và Im Lắng”) chỉ bao gồm những đoạn văn rất ngắn. Chương này chứa đựng tất cả tinh hoa của cả cuốn sách, và đây có thể là điều duy nhất mà một số độc giả nào đó cần đến. Còn những chương khác là để cho những ai còn cần thêm một số những bảng chỉ đường khác.
Cũng như những kinh văn cổ điển, những gì được viết ra trong cuốn sách này là những gì rất thiêng liêng vì đã đến từ một trạng thái tâm thức rất yên lắng. Tuy nhiên, điều khác biệt ở đây là, những điều được viết ra đây không thuộc về một tôn giáo nào hoặc truyền thống tâm linh chuyên biệt nào cả, nhưng nó có khả năng đáp ứng được nhu cầu tâm linh của rất nhiều người. Đồng thời những điều tôi viết ra đây như là một tiếng chuông gióng lên để cảnh giác tình trạng khẩn cấp về tâm linh của con người trong hoàn cảnh hiện nay. Vì sự chuyển hóa của tâm thức nhân loại không còn là một thứ xa xỉ, chỉ dành riêng cho một thiểu số: sự tỉnh thức ấy hiện đang là một nhu cầu thiết yếu của loài người, nếu nhân loại muốn tránh khỏi họa diệt vong. Trong giai đoạn hiện tại đang có sự gia tăng tốc độ tha hóa của thứ tâm thức lạc hậu, cũ kỹ, đồng thời sự hé mầm của loại tâm thức mới cũng được tăng tốc. Việc gia tăng tốc độ của cả hai dẫn tới nghịch lý là một mặt, có nhiều chuyện đang trở nên tồi tệ nhưng đồng thời những thứ khác thì đang có chiều hướng tốt đẹp hơn. Nhưng dĩ nhiên điều xấu thì luôn có vẻ hiển nhiên hơn vì chúng ta thường có khuynh hướng hay làm ầm ĩ lên khi nói về những điều xấu.
Cuốn sách này, lẽ đương nhiên, cần sử dụng ngôn từ mà khi đọc lên sẽ tạo thành những ý tưởng ở trong đầu bạn. Nhưng những ý tưởng đó không phải là những ý tưởng bình thường – lặp đi lặp lại, ồn ào, chỉ nghĩ đến riêng mình, hoặc là những ý tưởng chỉ để đòi hỏi sự chú ý của người khác. Như những vị thầy tâm linh chân chính, cũng như những kinh văn cổ, những ý tưởng trong cuốn sách này sẽ không nói “hãy chỉ chú ý đến tôi”, mà nó sẽ nói “hãy vượt lên trên những gì tôi đang nói đến”. Vì những ý tưởng này đã đến từ một nơi rất yên tĩnh, nên chúng có rất nhiều năng lực – năng lực để đem bạn trở về một nơi chốn im lắng, chỗ mà những ý tưởng ấy đã phát sinh ra. Sự im lắng ấy cũng chính là sự an bình ở nội tâm, và là bản chất chân thật của chính bạn. Sự im lắng nội tại ấy sẽ là nhân tố để chuyển hóa thế giới này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét