KHO BÁU VỮNG BỀN
Osho - Hạt Cải Trời
Chúa Giê-Su
nói: Nước Trời giống như một thương gia khôn ngoan tìm được ngọc quý. Vì thận
trọng nên ông ấy đã bán tất cả hàng hóa để mua viên ngọc ấy. Các người cũng
nên tìm loại bảo vật không thể hư mất, mà mối mọt không thể làm mục nát, và
giun dế không thể phá hủy.
Nếu nhìn ra
ngoài, bạn chỉ thấy thế giới hỗn tạp. Nếu nhìn vào trong, bạn sẽ thấy thế giới
của nhất thể. Nếu lăn lộn bên ngoài, bạn có thể thành công nhiều, nhưng đánh mất
nhất thể đó. Mà nhất thể ấy là trung tâm của bạn; nếu mất nó, bạn sẽ mất tất cả.
Bạn có thể rất thành công, nhưng cuối cùng cũng bị bỏ lại, bởi vì nếu không tìm
được chính mình, thì cũng như không đạt được gì cả.
Nếu bạn
không tìm được chính mình, cả thế giới cũng không thỏa mãn bạn được. Nếu không
tìm được bản thể của mình, tiền tài danh vọng chỉ làm bạn nghèo hơn. Lý do là
càng giàu thì bạn càng cảm thấy thiếu thốn, vì bạn có cái để so sánh; của cải
bên ngoài làm cho cái bên trong có vẻ nghèo nàn hơn. Cho nên mâu thuẫn của người
giầu có là càng giầu càng cảm thấy nghèo; càng có nhiều càng cảm thấy trống
trơn, bởi vì sự trống rỗng bên trong không thể khỏa lấp được bởi cái bên ngoài.
Chúng không thể đi vào bản thể của bạn. Khoảng trống bên trong chỉ có thể làm đầy
khi bạn nhận ra chính mình. Phải phân biệt cho rõ. Thế giới bên ngoài là của
đám đông, nhưng ở đó thiếu nhất thể tính. Mà nhất thể đó là mục tiêu; nó nằm
bên trong bạn, vì vậy nếu tìm bên ngoài, bạn sẽ không thấy. Không có gì giúp được
bạn cả; bất cứ bạn làm gì đều thất bại.
Tâm trí sẽ
tiếp tục cho bạn hy vọng, “Được cái đó thì bạn sẽ mãn nguyện.” Khi đạt được rồi
nó sẽ nói, “Thêm cái kia nữa thì sẽ thỏa mãn.” Nó sẽ nói, “Bạn không thành công
vì bạn không làm hết mình. Bạn hụt hẫng vì bạn không đủ nhanh.” Lý luận của nó
có vẻ hợp lý nhưng không đúng, mà nếu nghe theo nó thì dù bạn có cong lưng
mà chạy, cực vẫn theo sau; cuối cùng chỉ còn cái chết.
Thế giới của
đám đông là vương quốc của thần chết. Mà thế giới của nhất thể không biết chết
là gì. Người đi tìm chính là kẻ phải tìm, không phải vật thể bên ngoài, mà
chính nội tâm của bạn. Bạn phải quay trở vào trong; bạn phải đổi chiều, bạn phải
đổi hướng, bạn phải quay trở lại. Đôi mắt bạn nhìn ra ngoài sẽ chiếu sáng bên
trong. Nhưng nó diễn tiến ra sao?
Trừ phi bạn
hoàn toàn chán nản với thế giới bên ngoài, nó sẽ không xảy ra. Nếu còn một tia
hy vọng, bạn vẫn tiếp tục cố gắng. Thất bại ở đời thì tốt, và khi đã chán nản với
thế giới bên ngoài thì một hành trình mới bắt đầu. Thất bại bên ngoài càng
sớm càng tốt. Chán nản càng sớm càng tốt – bởi vì thất bại bên ngoài là bước đầu
để hướng về bên trong.
Trước khi
bàn về lời của Chúa, một số chi tiết quan trọng cần phải biết. Thương gia khôn
ngoan ấy là ai? Là người đã dám đổi tất cả để lấy ngọc quý. Vậy thì ai là người
ngu xuẩn? Là người đã bỏ quên chính mình mà đi tìm những vớ vẩn ở đời, là người
làm tôi tớ cho của cải thế gian.
Nhưng dù có
gì chăng nữa, bất cứ những gì bạn có bên ngoài sẽ không làm bạn thoả mãn, bởi
vì cái nhà thật sự của bạn vẫn còn trống không, bạn vẫn trắng tay. Chẳng có gì
vào được nhà của bạn; chúng vẫn nằm ngoài, bởi vì chúng thuộc về bên ngoài -
không có cách nào mang chúng vào được. Cho nên bên trong bạn vẫn nghèo nàn. Nếu
nó nằm ngoài thì nói làm gì.
Nếu sự trống
rỗng thuộc về bên ngoài, ở ngoại vi, thì bạn có thể lấp đầy bởi nhà to, xe đẹp,
hoặc những cái khác. Nhưng sự trống rỗng lại cảm thấy bên trong; bạn cảm thấy sự
vô nghĩa ở bên trong. Không phải là bạn không có nhà to, xe đẹp, mà đó mới là đầu
mối của mọi rắc rối. Bạn cảm thấy bên trong hoàn toàn vô nghĩa. Sao vậy? Sinh
ra làm gì? Sống làm gì? Cùng đích của đời người là gì?
Mỗi sáng bạn
thức dậy ra đi mà chẳng biết về đâu! Mỗi ngày trang điểm, quần áo chỉnh tề,
nhưng chiều đến bạn chẳng gặt hái được gì, chẳng đạt được đích gì cả. Tối đến bạn lăn ra ngủ để rồi hôm sau lại tiếp tục như trước. Cái vòng luẩn quẩn cứ thế mà
lăn. Bên trong bạn cảm thấy trống vắng hoàn toàn, vì chẳng có gì cả. Cho nên bề
ngoài thì bạn có thể lừa dối người khác được, nhưng chính mình thì không. Sao bạn
có thể đánh lừa chính mình được?
Tích lũy
càng nhiều thì càng lãng phí cuộc sống, bởi vì giá phải trả là chính đời sống của
mình. Bạn thiếu sống động hơn. Thần chết đã gần kề mà rác rưởi ngày càng chồng
chất, trong lúc bên trong của bạn ngày càng thu lại. Tới một lúc bạn hoảng hồn
và tự hỏi, “Ta đã đạt được gì? Ta đã đi đến đâu? Ta đã làm gì cho đời ta?”
Nhưng đã lỡ
làng rồi. Thời gian bỏ phí không trở lại với bạn nữa. Bạn không thể đòi lại được
nữa. Dù có hối hận thì cũng đã trễ rồi. Cho nên chợ chiều nào cũng buồn bã cả.
Nỗi buồn ấy không phải do tuổi già gây ra, mà vì bạn nhận thức được những gì bạn
làm cho chính mình. Mua được một căn nhà mà bạn nghĩ đã thành công, đã giàu. Bạn
thấy được những cặp mắt thán phục của người khác, nhưng trong mắt của chính
mình thì sao? Bây giờ bạn cảm thấy nỗi đau của một đời lãng phí, sự nhức nhối của
thời gian để mất.
Cái chết
đang đến gần, và chẳng mấy chốc bạn sẽ ra đi với hai bàn tay trắng. Hố thẳm này
thuộc về bên trong. Bạn không thể lấy của cải bên ngoài mà lấp đầy nó được - trừ
phi bạn tìm ra chính bạn. Cho nên Chúa Giê-Su nhắc đi nhắc lại mãi, “Lạc đà
chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Trời.” Tại sao? Giàu thì có
sao đâu?
Giàu chẳng
có gì sai cả. Chúa muốn nói về những người phí cả đời để làm tôi cho của cải thế
gian. Những người đó không thể vào Nước Trời được, bởi vì nơi đó chỉ dành cho
những người đã tìm ra nội tâm của mình. Tại cửa thiên đường anh ta không thể
đánh lận con đen. Anh ta không thể vào được vì anh ta đã lãng phí, đã thối rữa,
đã mục nát. Nơi đó anh ta không thể nhảy múa, không thể ca hát. Anh ta không thể
vào với những tầm phào đã đạt được khi còn sống. Anh ta đã bật gốc; anh ta tích
lũy được nhiều, nhưng đánh mất chính mình - Và đó là cái nghèo của anh ta. Nếu
sở hữu chính mình thì bạn giàu, thật sự giàu. Nếu không sở hữu chính mình, dù
là một hoàng đế thì bạn vẫn nghèo.
Thêm một điều
cần phải hiểu là tại sao ta muốn tích lũy mọi thứ. Sự thật quá rõ ràng, nhưng
chúng ta chẳng thèm để ý. Chẳng ai nghe Chúa, nghe Phật cả, mà dù bạn có lắng
nghe, thậm chí bạn cảm thấy bạn hiểu, bạn cũng chẳng hề làm theo. Phải có lý do
rất sâu sắc nào đó. Cho nên bạn lờ hẳn Phật, phớt tỉnh Chúa, và tiếp tục việc
làm của bạn. Ðôi khi bạn cũng nghi ngờ, nhưng chỉ thế thôi; sau đó thì lại đâu
vào đó. Phải có gì đã bén rễ rất sâu mà ngay đến cả Phật, đến cả Chúa cũng
không lay được, không nhổ được. Cái đó là gì vậy?
Chúng ta sống
vì người khác. Nét đặc thù của chúng ta do quan điểm của người khác mà có. Họ
là gương để chúng ta nhìn vào; chúng ta thấy chúng ta trong mắt người khác. Vấn
đề là ở đó, vì họ không thể nhìn được bản thể bên trong của bạn. Không gương
nào có thể phản chiếu được nội tâm của bạn. Chỉ có cái bên ngoài của bạn mới có
thể phản chiếu được; nó chỉ áp dụng cho những cái bên ngoài, những cái có hình,
có sắc. Dù bạn đứng trước cái gương tốt nhất, nó cũng chỉ phản chiếu được thể
xác của bạn. Không có mắt nào có thể phản chiếu được phần bên trong của bạn.
Cho nên mắt
người đời phản chiếu tiền bạc của bạn, thành công của bạn trên đường đời. Nhưng
họ không thể phản chiếu bạn được. Và khi thấy người khác nghĩ bạn nghèo vì quần
áo không đẹp, nhà không to, xe không bóng, bạn phải đua đòi bằng được mới thôi.
Bạn lam lũ cả ngày chỉ vì đôi mắt của người khác. Chúng thúc đẩy bạn trở nên
giàu có hơn nữa, nhiều quyền lực, nhiều uy tín hơn nữa. Con người của bạn chỉ
là những phản xạ của người khác, nhưng người khác có thể chỉ phản chiếu cái bên
ngoài, chúng không thể phản chiếu bạn. Vì vậy, tĩnh tâm rất là cần thiết.
Tĩnh
tâm nghĩa là đóng đôi mắt bạn lại, không nhìn hình phản chiếu nữa, mà nhìn vào
bản thể của chính mình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét