Thứ Hai, 2 tháng 1, 2017

TĨNH TÂM

TĨNH TÂM
Osho - Hạt Cải Trời

Tĩnh tâm nghĩa là đóng đôi mắt bạn lại, không nhìn hình phản chiếu nữa, mà nhìn vào bản thể của chính mình. Không thì cả ngày bạn đã va chạm với người khác rồi, mà đêm tối thì hoặc bạn ngủ như chết, hoặc bạn dây dưa với người khác trong mơ. Nghĩa là bạn không thể tránh được người khác. Bạn được sinh ra trong một xã hội, sống với xã hội, chết với xã hội - Trọn cả cuộc sống của bạn chỉ gồm có xã hội. Và xã hội là những đôi mắt ở xung quanh.



Sự phản chiếu của những đôi mắt đó tạo ấn tượng cho bạn. Được người khen là tốt thì bạn cảm thấy thích thú. Nếu bị chê bai thì bạn thấy xấu hổ. Nếu người khác nói bạn đần độn thì bạn nổi điên. Bạn sống vì người khác; bạn bị người khác thôi miên.

Hãy tìm nơi thanh vắng - Sống với người khác, nhưng đừng để người khác làm què quặt chính mình. Mỗi ngày chỉ cần nhắm mắt lại một giờ. Nhắm mắt nghĩa là để xã hội lại bên ngoài, chỉ còn lại mình bạn thôi – để bạn có thể giáp mặt chính bạn một cách trực tiếp. Mỗi năm một lần dành một vài ngày tìm nơi hoang vắng, chỗ không người, chỉ một mình bạn, để nhận rõ chân tướng của mình. Bằng không thì sống mãi với người khác bạn sẽ bị thôi miên. Đó là lý do tại sao bạn muốn được người khác thán phục, cho họ có ấn tượng tốt về chính mình. Bạn chẳng quan tâm đến đời sống của mình, mà chỉ muốn người khác nghĩ rằng bạn giàu. Đó là sự khác biệt giữa sống cho mình và sống cho người khác.

Tĩnh tâm giúp bạn tạm ngưng giao thiệp với người khác, giúp bạn tránh đôi mắt của người khác, gương của người khác. Hãy tạm quên tất cả! Hãy lấy vài phút mà nhìn vào trong. Nó sẽ giúp bạn nhận ra được những vết thương bên trong, rằng bạn trống rỗng bên trong. Rồi bạn sẽ đổi mới. Nó sẽ giúp bạn tìm kiếm những kỳ quan của nội tâm – cái bảo vật mà bạn đã có từ lâu, thay vì những của cải bên ngoài.

Của cải bên ngoài thì rất nhiều, nhưng bảo vật bên trong chỉ có một. Bạn bị lôi, bị kéo về mọi hướng bên ngoài, nhưng tỉnh thức là mục đích duy nhất bên trong. Chúa Giê-Su nói: Nước Trời giống như một thương gia khôn ngoan tìm được ngọc quý. Vì thận trọng nên ông ấy đã bán tất cả hàng hóa để mua viên ngọc ấy.

Chuyện xảy ra như thế này. Một thương gia bôn ba khắp nơi để kiếm tiền. Ông ta mua bán đủ mặt hàng và kiếm được nhiều tiền, nhưng cuối cùng gặp được một viên ngọc. Ông ta bán tất cả hàng hóa để mua một viên ngọc ấy. Trên đường về nhà, tàu bị đắm. Nhưng vì chỉ có một viên ngọc nên ông ta có thể bơi vào bờ và trở về nhà, và nhờ vậy mà gia sản vẫn còn nguyên vẹn.

Ðây là câu chuyện mà Chúa Giê-Su nói đến. Người đó chỉ có một món, thay vì nhiều, cho nên khi tàu chìm thì không gì bị mất. Chỉ có một thứ thì dễ, nhiều thì khó mà giữ được tất cả. Khi tàu đắm, nếu chỉ có một viên ngọc, bạn sẽ có thể mang nó bơi vào bờ, nhưng nếu có nhiều, bạn sẽ không có thể mang theo tất cả. Một viên ngọc thì dễ, nhưng nhiều hàng hóa quá thì mang theo cách nào?

Chúa Giê-Su nói: Nước Trời giống như một thương gia khôn ngoan tìm được ngọc quý. Vì rất thận trọng nên ông ấy… Ông ấy là người khôn ngoan, bởi vì đổi một vật quý để lấy nhiều thứ khác thì thật là ngu ngốc. Lời khuyên của Chúa là: đổi nhiều thứ rẻ tiền để lấy một vật quý. Ngọc quý là biểu tượng của vật quý duy nhất: nội tâm của bạn. Vì thận trọng nên ông ấy đã bán tất cả hàng hóa để mua viên ngọc ấy.

Các người cũng nên tìm loại bảo vật không thể hư mất, mà mối mọt không thể làm mục nát, và giun dế không thể phá hủy Vậy hãy bắt chước thương gia ấy, thận trọng và khôn ngoan. Bất cứ gì bạn gom góp được trong thế giới này sẽ bị lấy đi hết.

Cuộc sống phải là cái gì vĩnh cửu. Nhưng nếu muốn tìm cái vĩnh cửu, hãy làm như thương gia thận trọng kia; hãy bán tất cả những gì mà bạn có. Hãy bán đi và mua lại một thứ duy nhất. Đó là viên ngọc của bản thể bên trong. Nó không thể bị chìm, không thể bị lấy đi, bởi vì nó chính là bạn. Bạn chỉ có thể sở hữu được chính mình, ngoài ra không gì có thể sở hữu được cả.

Bạn có thể sống trong ảo tưởng. Đó là chuyện khác. Qua ảo tưởng bạn nghĩ bạn sở hữu căn nhà này, người vợ này, chồng này, con cái này, nhưng cũng chỉ là ảo tưởng. Chẳng chóng thì chầy giấc mơ cũng hết. Bạn chỉ có thể sở hữu chính mình, vì cái đó sẽ không bao giờ mất đi. Bản thể ấy thường hằng, vĩnh cửu; nó mãi mãi là của bạn. Nó không thể bị tước đoạt bao giờ.

Ðây là sự khác nhau giữa tìm kiếm của tôn giáo và của thế gian. Tôn giáo tìm cái vĩnh cửu, mà thế gian tìm cái vô thường. Thế gian thuộc về thời gian, mà tôn giáo vượt thời gian. Hãy quan sát một sự kiện đơn giản này. Là khi bạn nhắm mắt lại, và khi ý tưởng không còn, thời gian cũng mất theo. Khi ý tưởng trở lại, thời gian cũng xuất hiện. Mỗi khi có sự vật là có thời gian.

Thời gian tồn tại xung quanh bạn, cả khối thời gian. Nhưng bên trong bạn là vĩnh hằng, bất tận. Cho nên những người đạt đạo đều nói rằng khi bạn đã vượt trên thời gian, khi bạn đã ra hẳn ngoài thời gian, bạn đã gặp lại chính bạn, bạn đã về nhà.

Tới giờ rồi. Đã trễ rồi. Bạn đã chờ quá lâu. Đừng tìm bên ngoài, đừng tìm nơi người khác, đừng tìm trong đồ vật – nơi đó bạn sẽ gặp những cái hỗn tạp, những cái đa dạng mà người Ấn gọi là maya. Maya là cái hỗn tạp, đa dạng. Bạn tiếp tục tìm kiếm trong vô vọng. Đó là thế giới của những bóng ma. Maya nghĩa là ma lực của những cái hỗn tạp. Ma lực che mắt bạn. Bạn tìm mãi mà không thấy gì, vì đó là thế giới của ma quái; mỗi khi bạn đến gần thì nó lùi lại đàng sau, như thể cầu vồng. Từ xa nhìn lại thì đẹp. Nó sẽ hấp dẫn bạn, làm bạn điên đảo, làm bạn mơ màng, làm bạn ham muốn; bạn muốn giữ lại cầu vồng trong tay. Mà bạn càng tiến gần, nó càng lùi về sau.

Mỗi bước bạn đặt chân đến, bạn chẳng thấy gì cả. Cầu vồng ấy như thể cơn mơ, như thể ảo ảnh. Người Ấn gọi thế giới hỗn tạp này là maya – thế giới của mộng tưỏng, như thể do một ảo thuật gia dựng lên. Bạn tạo ra nó bằng sự ham muốn của mình; bạn đã sáng tạo ra những ham muốn đó – bạn là tác nhân của thế giới hỗn tạp ấy.

Ðó là những lời Chúa nói:
Nước Trời giống như một thương gia khôn ngoan tìm được ngọc quý. Vì thận trọng nên ông ấy đã bán tất cả hàng hóa để mua viên ngọc ấy. Các người cũng nên tìm loại bảo vật không thể hư mất, mà mối mọt không thể làm mục nát, và giun dế không thể phá hủy.

Hãy tìm cái bất tử và luôn luôn tỉnh táo. Ðừng phí thời giờ với những cái không bền. Đừng chạy theo những cái sẽ thay đổi, trong thế giới luôn luôn thay đổi. Vậy thì bạn nghĩ những gì sẽ tồn tại mãi mãi? Trong đời bạn đã gặp những gì đã cho bạn một cảm giác rằng chúng sẽ tồn tại mãi mãi chưa? Thế giới hữu hình ở quanh bạn – chẳng có gì tồn tại cả. Vật sẽ đổi, sao sẽ dời; chúng sẽ già, sẽ chết; thậm chí trái đất này cũng sẽ biến mất.

Sau đó hãy quay vào trong và quan sát ý tưởng của bạn. Chúng còn phù du hơn nữa. Chúng liên tục thay đổi; không một ý nghĩ nào kéo dài. Mới đây bạn giận dữ và bị ý tưởng giận dữ tràn ngập; ít lâu sau thì bạn cười vui vẻ và những ý tưởng giận dữ đó biến mất hoàn toàn, như thể chúng chưa hề có mặt. Tựa mây trên bầu trời; chúng đến và đi; chúng liên tục thay đổi hình dạng, giống hệt như những đám mây - chúng y hệt như mây.

Suy ngẫm về mây bạn sẽ nhìn thấy hình tướng của chúng thay đổi liên tục. Nếu không quan sát thì bạn không thấy, mà nếu quan sát bạn sẽ thấy chúng thay hình đổi dạng luôn luôn; không một khoảnh khắc nào hình dạng của mây không thay đổi. Tâm trí của bạn cũng thế: ý tưởng cũng có đặc tính y hệt một đám mây, nó thay đổi không ngừng. Ðó là lý do tại sao bạn không thể tập trung, bởi vì tập trung nghĩa là ý tưởng nào đó không được thay đổi. Vấn đề ở chỗ đó, vì ý tưởng liên tục thay đổi. Nó thay đổi mãi mãi, bất kể bạn làm gì: ý nghĩ này chuyền tay ý nghĩ khác, hình thù này nối tiếp hình thù kia. Thế giới của tư duy thay đổi không ngừng.

Đồi núi, mây nước thay đổi, chỉ bầu trời vẫn còn lại mãi mãi - nó kéo dài. Nội tâm của bạn cũng thế: mọi thứ thay đổi xung quanh bạn, ý tưởng thay đổi bên trong bạn - ngoại trừ bầu trời của tâm thức: quan sát viên bên trong, là không thay đổi. Ðó là viên ngọc quý mà Chúa nói đến. Đó là nhân chứng của mọi thay đổi xung quanh. Vì không có hình dáng rõ rệt nên nó không thể thay đổi. Có hình tướng tất có thay đổi. Hình hài không có thì thay đổi cách nào? Nó không có hình dáng rõ rệt. Người Ấn gọi là nirakar - vô định hình. Nếu bạn tìm đến cái vô định hình này bên trong, ban đầu nó có vẻ trống rỗng, vì bạn chưa hề biết cái vô định hình ấy bao giờ, bạn chỉ cảm thấy trống không. Nhưng đừng lo, đừng sợ, hãy đi vào. Khi bạn đã quen với nó, khi bạn đã ổn định trong đó, thì trống không không phải là trống không nữa: nó trở thành vô định hình. Khi đạt được vô định hình này, bạn có viên ngọc quý. Nghĩa là bạn đã đổi cái nhiều để lấy cái một. Hiện giờ, bạn đang đổi cái một để lấy cái nhiều. Mà cái một là ngọc quý, và cái nhiều chỉ là những hòn sỏi.

Chúng có vẻ rất quý, nhưng không phải, vì chúng không thể lâu bền. Lâu bền và vĩnh cửu là tiêu chuẩn của chân lý - hãy nhớ rõ điều này. Chân lý là gì? Là cái lâu bền và kéo dài vô tận. Mơ là gì? Là cái có mở đầu và có đoạn kết; là cái không thể kéo dài mãi mãi. Vậy hãy tìm cho được viên ngọc quý mà không ai có thể cướp đi được, ngay cả thần chết nữa. Lúc chết thì thân thể chết đi, và ý tưởng sẽ biến mất. Nhưng bạn thì sao? - Bạn sẽ tiếp tục mãi mãi.



Sự chết xảy ra quanh bạn, nhưng không bao giờ xảy ra cho bạn. Nó xảy ra ngoài ngoại vi, nhưng tại trung tâm thì không; nó xảy ra ở bên ngoài. Bạn sẽ không bao giờ chết, không thể chết. Đồi núi biến mất, mây đến rồi đi, nhưng bầu trời vẫn thế. Và bạn là bầu trời. Tính trời của bạn giống như bầu trời: trống rỗng, tuyệt đối trống rỗng, không có hình thù rõ rệt. Tất cả xảy ra bên trong nó, nhưng không gì phá hủy được nó. Ðây là những gì Chúa muốn nói. Các người cũng nên tìm loại bảo vật không thể hư mất, mà mối mọt không thể làm mục nát, và giun dế không thể phá hủy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét