Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2017

NGÓN TAY CHỈ TRĂNG

Ngón tay ch trăng



Cái sai có thể diễn đạt bằng ngôn ngữ nhưng cái đúng thì không. Đó là lý do tại sao Lão Tử đã nói rằng: Đạo khả đạo phi thường đạo. Bởi vì cái gì có thể nói ra hay đã được nói ra đều trở nên hư ngụy. Đạo không thể được nói ra. Đạo chỉ có thể hiện bày mà không thể được nói ra. Ngón tay chỉ mặt trăng -ngón tay không bảo rằng mặt trăng là cái gì, nó chỉ có thể chỉ cho thấy; nó chỉ hướng cái tầm nhìn của bạn về phía mặt trăng.

Đừng để bị vướng mắc vào cái ngón tay - đó là chuyện đang xảy ra. Và đây là một trong những cuộc cách mạng mà Thiền mang đến cho thế gian này. Thiền đốt luôn những kinh điển -đó là cách để giúp bạn không còn bám víu vào những ngón tay.

Nếu tôi muốn cho bạn nhìn thấy mặt trăng và chỉ nó bằng ngón tay của tôi, đừng có để bị vướng mắc vào cái ngón tay này -ngón tay của tôi không phải là mặt trăng. Và nếu bạn cứ mãi bị ám ảnh quá mức bởi cái ngón tay, bạn sẽ không còn nhìn thấy mặt trăng nữa. Muốn nhìn thấy nó, bạn phải quên đi cái ngón tay này, bạn phải hoàn toàn buông bỏ nó. Lúc đó bạn mới để ý đến cái hướng chỉ và nhìn theo hướng này -chỉ với như vậy thì cái ngón tay mới được quên đi. Cái ngón tay chẳng là gì cả. Nó có thể rất xinh xắn dễ thương ở trên bàn tay của một nhà nghệ sĩ lớn. Nó cũng có thể cục mịch, ốm đau, khoẻ mạnh, đen hay trắng, đàn ông hay đàn bà -không thành vấn đề.

Những phẩm chất của ngón tay không hề được đặt ra; bất kỳ ngón tay nào cũng có thể chỉ vào mặt trăng cả. Thế nhưng người ta cứ mãi bám chặt những ngón tay. Người Kỳ Na Giáo đang bám vào ngón tay của Mahavira -họ mãi thờ lạy cái ngón tay đó mà quên đi cái mặt trăng. Người Phật tử thì cũng đang thờ lạy cái ngón tay của Đức Phật.

Đúng như vậy, không phải là chuyện ngẫu nhiên mà có một ngôi chùa ở Nhật Bản người ta không thờ tôn tượng Phật mà chỉ thờ một ngón tay, một ngón tay bằng đá cẩm thạch, đang chỉ về một hướng vô định nào đó. Những ai xây dựng ngôi chùa này hẵn phải là có nhận thức sâu sắc; thế nhưng người ta đâu có hiểu ý nghĩa - người ta đang thờ lạy cái ngón tay này. Họ mang hương hoa đến đó và quỳ lạy. Chẳng ai buồn để ý đến cái ngón tay đang chỉ về hướng nào.

Những người Cơ Đốc cũng đang ôm chặt một cái ngón tay khác. Và rồi họ cứ tiếp tục tranh cãi với nhau - "Ngón tay của ai là đẹp nhất? Chúa Giêsu là người vĩ đại nhất? Hay là Ông Phật? Hay là Krishna, Mohammed?" Các bạn đang tranh cãi chuyện gì thế? Tất cả đều vô nghĩa! Bạn đang bàn luận về những ngón tay, mà những ngón tay này thì chẳng hề dính dáng liên hệ gì đến chủ đề cả. Bất cứ ngón tay nào cũng có thể chỉ về hướng mặt trăng. Và tất cả những ngón tay chỉ về hướng mặt trăng đều giống nhau -giống nhau ở chỗ cùng chỉ về hướng mặt trăng, những chuyện phụ thuộc khác đều vô nghĩa.

Đức Phật nói một loại ngôn ngữ, Chúa Giêsu nói một thứ ngôn ngữ khác, và rồi Mahommed cũng thế. Chuyện đó không thành vấn đề. Đối với người có nhận thức, chỉ cần cái hướng là đủ rồi. Con người của nhận thức sẽ đi về hướng mặt trăng và quên đi tất cả mọi ngón tay. Và cái khoảnh khắc khi bạn đi về hướng mặt trăng, bỗng nhiên bạn nhận ra rằng tất cả mọi ngón tay đều chỉ về cùng một hướng.

Và như thế Thiền là một ngón tay đưa lên chỉ về hướng mặt trăng trong yên lặng. Đó cũng là cách thế căn bản của tất cả mọi tôn giáo. Tại sao ngôn ngữ lại bất lực như thế? Tại sao đạo lại không thể được nói bằng lời? Một vài điều cần phải được nhận thức trước khi chúng ta đi vào giai thoại sau đây.

Một cách đơn giản, ngôn ngữ không tải được đạo -do một vài lý do ở ngay tự cấu trúc của nó. Trước tiên, ngôn ngữ là vật dụng thiết thực cần đến. Cũng tốt thôi, cho đến khi nào chúng ta còn sống trong cái thế giới của tiện dụng này. Bạn đi vào chợ để mua sắm cái gì đó, bạn cần đến ngôn ngữ -nó làm cho mọi chuyện trở nên dễ dàng hơn. Ngôn ngữ như một thứ dầu nhớt, nó giúp vào công việc truyền thông của con người -nhưng chỉ trong thế giới của tiện dụng.
Cái khoảnh khắc mà bạn khởi sự đi vào hiện hữu... Hiện hữu không hề có vật dụng thiết thực, nó không phải là một cái gì đó để bạn có thể bán buôn. Hiện hữu là phi- dụng, là không có mục tiêu để vươn tới. Hiện hữu phải được quan sát bằng sự lặng yên tuyệt đối trong mắt bạn.


OSHO - Thiền - Con đường nghịch lý


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét