Thứ Năm, 15 tháng 12, 2016

NƯỚC HỒ VÀ NƯỚC GIẾNG

NƯỚC GIẾNG VÀ NƯỚC HỒ

(Osho – Hành Trình Nội Tại)

Trong hàng ngàn năm, con người đã có cái ảo tưởng rằng người ta có thể đạt được kiến thức bằng cách tích lũy những tư tưởng của người khác.



Điều này hoàn toàn sai lầm. Chưa từng có ai có thể đạt được kiến thức bằng cách tích lũy những tư tưởng của người khác cả. Kiến thức đến từ bên trong, còn tư tưởng đến từ bên ngoài. Kiến thức là của chúng ta, còn tư tưởng thì luôn luôn là của người khác, luôn luôn là vay mượn. Kiến thức là nhịp đập của sự hiện hữu trong bạn, nó là sự phô bày những gì dấu kín ở bên trong bạn. Còn tư tưởng là tập hợp những gì mà người khác nói – bạn có thể thu thập từ kinh Gita, từ kinh Koran hay từ Kinh Thánh, hay từ những thầy giảng hoặc từ những lãnh tụ tôn giáo …

Những gì thu nhặt từ người khác không thể trở thành kiến thức của ta được, nó trở thành những cách thức nhằm che đậy sự vô minh, ngu dốt của ta. Khi vô minh của con người được che dấu, hắn không bao giờ có thể đạt được kiến thức. Bởi có ý nghĩ rằng đây là kiến thức của ta, ta sẽ bám chặt lấy chúng với toàn bộ con người của ta. Ta bám vào những tư tưởng của ta, ta không đủ can đảm để buông bỏ chúng. Ta hổ trợ, tiếp sức cho chúng vì nghĩ rằng chúng là kiến thức của ta: và nếu ta đánh mất chúng, ta sẽ trở thành vô minh. Nhưng nên nhớ rằng, dù con người có bám víu vào tư tưởng của mình cách nào đi nữa thì cũng chẳng thể nào nhờ chúng mà trở nên thông thái cho được.

Khi ta đào giếng, trước hết phải lấy đất đá đi rồi nước mới rỉ ra từ bên thành giếng. Nước có sẵn đấy rồi, không cần phải đem nước từ nơi khác đến. Chỉ có những lớp đất đá là cần phải lấy bỏ. Có vài chướng ngại, có vài cản trở. Một khi lấy bỏ chúng đi thì nước sẽ xuất hiện. Không cần phải đổ nước vào giếng, nước đã có sẵn đấy rồi – chỉ có một số chướng ngại cần phải lấy bỏ.

Kiến thức hiện diện trong nội tại, không cần phải lấy từ nơi khác đến. Những nguồn suối của nó ẩn giấu bên trong, chỉ có các chướng ngại chen vào giữa, giống như đất và đá, là phải lấy bỏ bằng cách đào xới – rồi thì những nguồn suối của kiến thức sẽ bắt đầu xuất hiện.


Nhưng ta có thể tạo ra cái giếng mà cũng có thể tạo ra cái hồ. Làm một cái hồ thì hoàn toàn khắc hẳn. Bạn không cần phải tìm mạch nước để là ra hồ. Cách thức để tạo ra hồ thì hoàn toàn ngược lại với cách thức để tạo ra giếng. Để làm hồ, bạn không cần phải đào bới đất đá, bạn phải đem chúng từ nơi khác đến và xây thành bốn mặt hồ. Khi xây thành hồ xong, thì nước chẳng tự đến, bạn phải lấy nước từ giếng của những người khác rồi đem đổ vào hồ. Nhìn trên bề mặt, hồ cho ta một ảo tưởng trông giống như giếng. Nó dường như trông giống như giếng. Bạn có thể nhìn thấy nước trong hồ cũng như nhìn thấy nước trong giếng, nhưng sự khác biệt giữa một cái hồ và một cái giếng cũng y như như sự khác biệt giữa trời và đất vậy.
(còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét